Cho đến giờ này, các cuộc biểu tình ồ ạt ở Bangkok được sự hậu thuẫn của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong đã diễn ra một cách ôn hòa. Nhưng theo thông tín viên Ron Corben của đài VOA ở Bangkok, người ta vẫn lo sợ rằng bạo động có thể được châm ngòi vào lúc người biểu tình tìm cách buộc chính phủ của thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức.
Hàng chục ngàn người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinwawatra đã tụ tập ở Bangkok hôm nay để đòi chính phủ từ chức và tổ chức bầu cử.
Nhưng thủ tướng Abhisit Vejjajiva vẫn kiên quyết không giải tán quốc hội và cảnh báo những người biểu tình, được gọi là Những Người Áo Đỏ, chớ nên có hành vi bạo động.
Cho đến nay, các cuộc biểu tình tuy sôi nổi, vẫn chưa gây đổ máu.
Một thành viên hàng đầu của phong trào biểu tình, ông Jakarapob Penkair, cảnh báo quân đội Thái chớ nên can thiệp.
Ông Jakarapob nói: “Chúng tôi không sẵn sàng đổi sinh mạng của nhân dân để Những Người Áo Đỏ đạt được chính nghĩa tốt hơn. Chúng tôi không muốn làm như vậy, chúng tôi không muốn bị rắc rối. Nhưng vấn đề là nếu xảy ra rắc rối, thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận, nhưng tôi xin nhắc nhở họ rằng bất kỳ họ định làm gì, nhất là về mặt quân đội thì sẽ đem lại nhiều sự ủng hộ trên khắp nước dành cho Những Người Áo Đỏ, một sự ủng hộ vượt quá tầm kiểm soát của họ.”
Từ hồi cuối tháng ba, người biểu tình đã bao vây tòa nhà chính của chính phủ. Ông Thaksin, người đã bị lật đỏ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và hiện đang sống lưu vong, đã thường xuyên nói chuyện với những người ủng hộ ông những cuộc hội thoại bằng video.
Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị của trường đại học Chulalongkorn nói rằng những ngày sắp tới sẽ mang tính quyết định đối với Thái Lan.
Ông Thitinan nói: “Trên 10,000 người từ vùng nông thôn đổ về Bangkok với rất nhiều điều khiếu nại ở trong một trạng thái thù nghịch là điều rất nguy hiểm bởi vì nó có một động năng riêng và trở thành không kiềm chế và không thể lường trước được. Chính phủ sẽ phải thận trọng. Quân đội cũng sẽ phải kiềm chế, nếu không thì tình hình có thể vượt ra ngoài vòng kiểm soát.”
Năm ngoái, những người biểu tình chống ông Thaksin, mặc áo vàng, đã tổ chức những cuộc biểu tình tương tự trong nhiều tháng, vận động đòi lật đổ một chính phủ được ông Thaksin hậu thuẫn.
Thái Lan đứng trước những chia rẽ xã hội sâu xa đã phân cực những người ủng hộ ông Thaksin, nhất là giới nghèo khó ở thành thị và nông thôn, với những người tố cáo ông Thaksin là tham nhũng và lạm quyền cũng như tìm cách gây phương hại cho nền quân chủ Thái Lan.
Đọc nhiều nhất
1