Một đạo luật mới của Philippines tái khẳng định chủ quyền của Manila đối với quần đảo đang bị tranh chấp ở vùng Biển Nam Trung Quốc đã gây khó chịu cho các nước láng giềng, và khơi ra những lời chỉ trích từ phía Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc. Hồi đầu tuần này, Trung Quốc đã phái một tàu tuần duyên đến biển Nam, một lần nữa làm nổi bật lý do vì sao khu vực này lâu nay vẫn bị coi là một trong những điểm nóng ở Châu Á. Từ Manila, thông tín viên đài VOA Heda Bayron gửi về bài tường thuật sau đây.
Tổng thống Philippines Gloria Arroyo đã ký bộ luật Đường Chuẩn hồi tuần trước mà không có sự quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Philippines đã có phản ứng mau chóng và gay gắt. Bộ luật này xác định giới hạn của khu vực mà Philippines coi như đặc khu kinh tế của họ và tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa đang trong vòng tranh chấp ở ngoài khơi vùng biển phía tây của họ.
Việt Nam gọi đó là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của họ đối với dẫy đảo này. Trung Quốc chỉ trích việc nhận chủ quyền của Philippines là bất hợp pháp và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có điều họ gọi là 'chủ quyền không tranh cãi được' đối với dãy đảo này và vùng hải phận quanh đó.
Hôm chủ nhật, Trung Quốc đã phái một tàu tuần duyên đến khu vực này. Hành động của Trung Quốc được thực hiện sau khi xảy ra một vụ đối đầu trong vùng Biển Nam Trung Quốc giữa tàu của Trung Quốc và một tàu hải quân Mỹ. Bắc Kinh nói rằng chiếc tàu của Hoa Kỳ đã đi vào đặc khu kinh tế của họ, trong khi Washington nói rằng tàu ở trong hải phận quốc tế.
Các sự cố vừa kể một lần nữa nêu bật việc phân định hải phận có nhiều vấn đề trong vùng Biển Nam Trung Quốc và khả năng bùng nổ xung đột trong khu vực này.
Ông Sam Bateman là một chuyên gia phân tích an ninh hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore.
Ông Bateman nói: “Khi ta thực sự xét vấn đề này cùng với những vụ xung đột giữa các tàu của Trung Quốc và Hoa Kỳ, thì theo tôi, sự kiện đó quả có nêu bật toàn bộ tầm vóc của tiềm năng bất ổn định hàng hải trong khu vực. Có rất nhiều quyền lợi quốc gia trong vùng Biển Nam Trung Quốc và đó là một khu vực rất nhạy cảm.”
Vùng Biển Nam Trung Quốc trải rộng 1,7 triệu kilomet vuông với hơn 200 hòn đảo, đá và san hô gần như không có người ở. Ngoài sự kiện đó là một tuyến hàng hải chính, khu này còn được cho là giàu trữ lượng dầu khí.
Trung Quốc nhận chủ quyền một vạt rộng trong vùng Biển Nam này, trải xa từ lục địa về phía nam. Đặc khu kinh tế của Trung Quốc trùng lấp với hải phận của Việt Nam và Philippines. Bởi lẽ Trung Quốc tiêu thụ thêm năng lượng và bành trướng khả năng hàng hải, các chuyên gia cho rằng có phần chắc là Bắc Kinh sẽ quả quyết hơn trong việc bảo vệ đặc khu kinh tế của họ.
Không có mấy quốc gia dọc theo vùng Biển Nam Trung Quốc có khả năng sánh với quân đội Trung Quốc.
Dựa vào Quy ước về Luật biển của Liên hiệp quốc, các đặc khu kinh tế trải rộng khoảng 370 kilomet từ bờ biển của một quốc gia. Bên trong đặc khu này, các nước trên bờ có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên và có thẩm quyền đối với việc lập ra các hòn đảo nhân tạo, thăm dò đại dương và bảo vệ môi trường biển.
Các quốc gia được phép thực hiện các hoạt động trong đặc khu kinh tế với sự tôn trọng đúng mức quyền lợi và nghĩa vụ của nước ở ven biển.
Nhưng các quốc gia diễn dịch Quy ước này một cách khác nhau, như trong trường hợp sự cố xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – theo như lời giải thích của ông Bateman.
Ông Bateman nói: “Một mặt khác trong lập luận của Trung Quốc sẽ là, một quốc gia khác tiến hành các hoạt động trong một đặc khu kinh tế của quốc gia ven biển – trong trường hợp này là Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động trong đặc khu kinh tế của Trung Quốc – không có quyền tiến hành các hoạt động trong đặc khu kinh tế có thể được coi như trái ngược hay gây thiệt hại cho an ninh và quốc phòng của quốc gia ven biển. Hoa Kỳ thì lập luận rằng các hoạt động phòng vệ là chấp nhận được theo luật quốc tế.”
Sự cố đó làm nổi bật những mối lo ngại từ lâu này về khả năng các vụ xung đột quân sự do hậu quả của các bất đồng về đặc khu kinh tế. Một trận hải chiến ngắn giữa Trung Quốc và Việt Nam đã bùng ra năm 1988 vì vụ quần đảo Trường Sa. Khoảng 70 thủy thủ Việt Nam đã tử trận. Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng nhận chủ quyền dãy đảo Trường Sa này.
Ông Bateman nói rằng các biện pháp xây dựng lòng tin và sự giao tiếp đa phương rất quan trọng trong việc ngăn ngừa mọi cuộc xung đột trong vùng biển này.
Ông Bateman nói: “Biển Nam Trung Quốc, ở giai đoạn này, thường được đặt dưới sự quản lý của các quốc gia trong vùng có liên hệ với sự kiện là không ai muốn thấy xung đột công khai bùng ra.”
Để ngăn ngừa những vụ xung đột, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã ký một tuyên ngôn về hành xử trong Biển Nam Trung Quốc vào năm 2002.
Cố vấn an ninh quốc gia của Philippines, ông Noberto Gonzales nói rằng Philippines có cam kết với thỏa thuận và rằng cuộc tranh chấp phải được giải quyết qua đường lối đối thoại.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác trong cuộc đối thoại – kể cả Trung Quốc – sẽ mở cuộc họp thượng đỉnh hàng năm vào tháng tới ở Thái Lan. Theo dự kiến, việc xoa dịu các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.