Đường dẫn truy cập

Ông Obama có làm quá nhiều việc trong thời điểm quá sớm?


Dư luận quần chúng Mỹ có truyền thống theo dõi và đánh giá 100 ngày đầu tiên của một Tổng Thống mới. Nhân dịp ông Barrack Obama đã đi được nửa đoàn đường này, người ta nhận thấy ông đã đề ra một chương trình to lớn, tập trung vào việc hồi sinh nền kinh tế yếu kém của nước Mỹ. Tuy nhiên, theo tường trình của Thông Tín Viên đài VOA Jim Malone thì có người đặt dấu hỏi liệu ông Obama có ý định làm quá nhiều việc trong một thời điểm quá sớm hay không?

Ngay từ lúc đầu, qua bài diễn văn nhậm chức, ông Obama đã hứa hẹn thực hiện nhiều kế hoạch to lớn trong nhiệm kỳ của mình.

Tổng thống Obama nói: “Hôm nay tôi muốn nói với đồng bào rằng những thách thức mà chúng ta đối mặt là có thật. Các thách thức này nghiêm trọng và có nhiều. Chúng không thể đáp ứng một cách dễ dàng hoặc trong vòng thời gian ngắn. Nhưng vì đây là nước Mỹ, chúng sẽ được đáp ứng.”

Thách thức đầu tiên và quan trọng nhất, được ông đặt lên hàng đầu, là đối phó với tình hình kinh tế yếu kém của nước Mỹ.

Nhưng cùng lúc, ông cũng nhanh chóng bắt đầu trấn áp chi phí chăm sóc sức khỏe, cùng lúc với chuyện nới rộng bảo hiểm sức khỏe cho những người không có bảo hiểm. Ông cũng hứa cải tổ giáo dục và đưa nước Mỹ tiến đến chỗ bớt lệ thuộc vào năng lượng.

Đối với những người như Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lamar Alexander, đại diện của bang Tennessee, các kế hoạch của ông Obama quá lớn lao.

Thượng nghị sĩ Alexander nói: “Tổng Thống nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhưng không có Tổng Thống nào cho rằng cách khôn ngoan nhất, là giải quyết tất cả các vấn đề đó cùng một lúc.”

Nhưng vào lúc nhậm chức được 50 ngày, ông Obama tỏ ý cho thấy là ông sẽ không rút lại một số kế hoạch đã đề ra.

Tổng thống Hoa Kỳ nói: “Tôi biết có nhiều người tin rằng chúng ta chỉ có thể xử lý từng thách thức một. Chúng ta không ở vào vị trí may mắn có thể chọn lựa giữa chuyện khởi động kinh tế ngay bây giờ hoặc dành ra nhiều thời gian để xây dựng lại.”

Bây giờ thì ông đã đi quá phân nửa đoạn đường 100 ngày. Giống như các Tổng Thống tiền nhiệm, ông Obama cũng được mang ra so sánh với các Tổng Thống trước đó, và lần này, ông được so sánh với Franklin Roosevelt, là người nhậm chức Tổng Thống vào lúc nước Mỹ đang ở giai đoạn Đại Khủng Hoảng kinh tế của những năm 1930.

Ông Jeremy Mayer, thuộc trường đại học George Mason ở Virginia, là người nghiên cứu về các Tổng Thống Mỹ nhận định: “Chúng ta thử nhìn lại 100 ngày đầu tiên của Tổng Thống Roosevelt. Ông nhậm chức vào tháng 3 năm 1933. Vào thời đó, lễ nhậm chức diễn ra vào tháng 3, thay vì tháng giêng như bây giờ. Sau lễ nhậm chức của ông là hàng loạt diễn biến xảy ra. Chưa bao giờ người ta thấy có nhiều việc đã tác động đến nhiều người trong vòng một thời gian quá ngắn như thế.”

Tổng Thống Roosevelt đề ra một danh sách dài những chuyện cần giải quyết ngay khi ông nhậm chức, từ chuyện một số ngân hàng phải đóng cửa cho đến chuyện tỷ lệ thất nghiệp lúc bấy giờ là khoảng 25%. Mặc dù ông hết sức năng nổ trong 100 ngày đầu tiên, phải mất nhiều năm kinh tế Mỹ mới chuyển hướng.

Dĩ nhiên, Tổng Thống Obama mong đợi kinh tế sẽ chuyển hướng nhanh chóng, trong lúc ông còn tại chức. Ông có thể dẫn chứng bằng một thành tựu quan trọng của thời gian 100 ngày, đó là ông đã thông qua được bộ luật kích thích kinh tế lớn lao.

Chuyên viên Mayer của trường đại học George Mason nói rằng thành tựu này cần phải được ghi nhận.

Ông Mayer nói: “Cho dù bộ luật này có phải là một ý kiến tốt hay không, ta phải nhìn nhận rằng một khi đã thông qua được kế hoạch kích thích đó, ta có thể xem đây là một thành tựu to lớn về mặt chính trị. Một số Tổng Thống trong suốt 4 năm tại chức không hề tạo được một thành tích lớn lao đến như thế.”

Tổng Thống Obama không có nhiều thành công khi kêu gọi sự hợp tác của các đảng viên Cộng Hòa. Phần lớn các chính sách kinh tế của ông đều bị họ bác bỏ.

Một trong những đảng viên Cộng Hòa là Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions của bang Alabama nói:” Thêm chi tiêu, thêm thuế và thêm nợ nần. Đó là tình cảnh của ngân sách lần này.”

Một số chuyên viên thắc mắc không biết nhân dân Mỹ có cho ông Obama đủ thời gian để thấy được các chính sách của ông mang lại hiệu quả hay không. Một trong những chuyên viên này là ông Stephen Wayne của trường đại học Georgetown ở Washington.

Ông Wayne nói: “Người Mỹ chưa bao giờ tỏ cho thấy họ là một giống dân có nhiều kiên nhẫn. Nhưng về một phương diện khác, Tổng Thống Obama vẫn còn được rất nhiều người ủng hộ, nhiều hơn những người Cộng Hòa trong Quốc Hội. Chỉ cần có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các thay đổi của ông Obama đang đi đúng hướng cũng đủ xoa dịu nhân dân Mỹ. Người Mỹ không có thói quen chờ đợi đến bất tận, nhưng vào thời điểm này, đứng về mặt cơ bản, không còn lựa chọn nào khác.”

Đa số chuyên viên tin rằng sự nghiệp chính trị và kế tiếp là sự thành công của Tổng Thống Obama tùy thuộc trực tiếp vào những gì xảy ra cho tình hình kinh tế Mỹ trong những năm sắp tới.

Nhưng ông Obama cũng bận rộn với những mặt khác, trong đó có an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.

Ông cũng ra lệnh đóng cửa trại giam nghi can khủng bố ở vịnh Guantanamo, duyệt lại các chính sách thẩm vấn những người bị giam, đặt ra ngày rút lui cho phần lớn quân nhân Mỹ đang đóng ở Iraq. Cùng lúc, ông đã đưa thêm 17 ngàn quân đến Afghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG