Đường dẫn truy cập

VN có thể trợ giá cho hàng dệt may xuất khẩu


Việt Nam có thể trợ giá cho hàng dệt may xuất khẩu và giảm thuế nhập khẩu bông vải để giúp các công ty trong nước ứng phó với tình trạng nhu cầu sút giảm.

Tường thuật hôm thứ năm của hãng tin tài chánh Bloomberg trích lời ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, nói rằng chính phủ dự trù bù thêm cho các công ty 40 đồng cho mỗi đô la thu được từ xuất khẩu.

Ông Ân cho biết thêm rằng số đơn đặt hàng bị giảm mạnh đã đưa tới tình trạng có khoảng 100,000 công nhân ngành dệt may bị cho nghỉ việc trong tháng giêng và tháng hai vừa qua.

Cũng theo lời ông Lê Quốc Ân, tình hình của ngành dệt may hiện nay rất khó dự báo, và cho dù có được trợ giá thì các công ty dệt may vẫn phải sa thải nhân công nếu kinh tế thế giới không được cải thiện trong 6 tháng cuối của năm nay.

Ông Ân nói thêm rằng để giúp giảm bớt phí tổn cho các công ty, chính phủ dự định cắt giảm thuế trị giá gia tăng đánh vào bông vải nhập khẩu từ mức 10% hiện nay xuống còn 5%.

Theo ghi nhận của Bloomberg, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết rằng chính phủ sẽ chi tiêu hơn 17 tỉ đô la để đối phó với những tác động của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó có những biện pháp ưu đãi xuất khẩu.

Mặc dù số đơn đặt hàng sút giảm, công nghiệp dệt may Việt Nam đang nhắm tới chỉ tiêu xuất khẩu 10 tỉ 500 triệu trong năm nay so với 9 tỉ 100 triệu của năm 2008.

Các số liệu của chính phủ Việt Nam cho thấy công nghiệp này thu dụng khoảng 2 triệu công nhân và chiếm khoảng 15% tổng số kim ngạch xuất khẩu.

Cũng theo tin của Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân mới đây cho biết rằng chỉ tiêu tạo ra 1 triệu 700 ngàn công ăn việc làm trong năm nay có phần chắc sẽ không đạt được vì tác động của vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Chỉ tiêu vừa kể, bao gồm 90,000 công nhân làm việc ở nước ngoài, được đề ra trong nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 và được quốc hội thông qua hồi tháng 11 năm ngoái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG