Đường dẫn truy cập

Phát triển, nuôi trồng thủy sản trong vùng đồng bằng sông Cửu Long


Ngày 12 tháng 2 vừa qua, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo với sự tham dự của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long để tìm giải pháp phát triển thủy sản tại vùng này. Rút tỉa kinh nghiệm của năm 2008, các hội thảo viên đã đưa ra một số các biện pháp giúp người dân cũng như các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản tránh vết xe đổ vừa qua. Mời quý vị theo dõi bài tường trình sau đây của phóng viên Hà Vũ, ban Việt ngữ VOA.

Năm 2008 là năm mà bà con nông dân nuôi trồng thủy sản cũng như các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu gặp nhiều rất nhiều khó khăn. Cá tra không xuất khẩu được nhiều do tình hình suy thoái chung toàn cầu nên thị trường tiêu thụ trên thế giới giảm sút.

Mặt khác, chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ Việt Nam đã khiến cho các doanh nghiệp không có tiền để thu mua cá tra của nông dân.

Những yếu tố này đã khiến cho giá cá tra giảm sút dưới mức giá thành sản phẩm. Nhiều hộ nuôi cá tra phải bán cá dưới giá thành khoảng 2000 đồng một ký. Mặc dù Ngân hàng nhà nước đã phải bơm hàng ngàn tỉ đồng để cho các doanh nghiệp có đủ tiền thu mua cá cũng như cho nông dân vay để tái sản xuất nhưng cũng không cứu được các doanh nghiệp cũng như người nuôi cá tra qua khỏi cơn khủng hoảng. Do đó theo con số thống kê do các cơ quan chức năng đưa ra thì tại vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng từ 35% đến 40% các ao hầm đang bỏ không vì người nuôi cá không còn khả năng tái đầu tư.

Một người dân ở Cù lao Tân Lộc huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ nơi nổi tiếng về nuôi cá tra tại Cần Thơ cho biết về tình trạng suy giảm của việc nuôi mới cá tra tại đây.

Ông nói: “Cái cồn này thì hầu như mười nhà, nếu nói về những gia đình khá giả thì mười nhà khá giả thì tám nhà đã nuôi rồi. Nhưng mà theo như tình trạng của bây giờ thì đợt mới cá tra lần này thả thì chỉ có hai ba nhà.”

Ông Phan Văn Danh, chủ tịch nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang xác nhận sự suy giảm của sản lượng cá tra trong năm 2009.

Ông Danh nói: “Bỏ ao hầm thì đến giờ này đồng bằng sông Cửu Long từ 35% đến 40%”

Với tỉ lệ sụt giảm như vậy, ông Danh cho rằng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2009 khó lòng đạt mức của năm 2008.

Ông Danh nói: “Theo chúng tôi đánh giá thì kim ngạch xuất khẩu của năm 2009 khó có khả năng bằng hoặc vượt hơn năm 2008 vì tiêu dùng của nước ngoài có giảm sút, nó cũng tương ứng với số hiện nay bà con họ giảm nuôi, nhưng mức độ cở nào thì đến giờ này chưa xác định được. Chớ còn bằng hoặc cao hơn thì hơi khó, chỉ trừ có cái là nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nó lớn, giá xuất nó tăng lên...”

Ông Dương Tấn Lộc, phó chủ tịch Hiệp Hội Thủy Sản Cần Thơ cho rằng trong năm qua, ngành thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn ngoài yếu tố khách quan là tình hình kinh tế thế giới suy thoái còn có nhiều yếu tố nội tại gây tác hại cho ngành thủy sản trong nước nữa.

Ông Lộc nói: “Thí dụ tôi nói khủng hoảng kinh tế thế giới, tác động suy thoái, điều này là chung nhưng quan trọng là thế giới chưa quay lưng lại với con cá tra mà thích con cá tra nhiều hơn, đó là một lợi thế. Nhưng mà do chúng ta chủ quan làm chất lượng cá tra chúng ta giảm vì chúng ta không có một tổ chức nuôi hợp lý, chế biến hợp lý và đối mặt thương trường hợp lý. Nghĩa là bây giờ không có sự gắn kết để các công đoạn nuôi hạ giá thành. Rồi giữa nuôi và chế biến không có sự gắn kết, mạnh ai nấy làm. Chính chỗ này làm giá thành của chúng ta tăng. Rồi ngay với thị trường bên ngoài cũng không có sự gắn kết với nhau. 240 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra dường như là tự ai nấy làm và theo tôi hiểu thì ở nước ngoài càng khá giả thì họ càng gắn kết để họ cạnh tranh với những tập đoàn lớn hơn. Trong khi đó Việt Nam nghèo khó thế này nhưng vẫn giữ nguyên lối nghĩ, cách làm cũ thì tôi nghĩ còn khó dài dài. Do đó khó khăn ở chỗ nội tại là chủ quan ở tổ chức. Nếu tổ chức tốt vùng nuôi vì điều kiện nuôi ở Việt Nam tốt hơn nhiều nơi. Hai là dân Việt Nam rất sáng tạo. Những cái tự nhiên tốt đó nhưng mà không có tổ chức, không có một sự gắn kết thì con cá tra sẽ bị một số nước qua mặt dài dài. Có 5, 6 nước tính nuôi cá tra để cạnh tranh với Việt Nam đấy.”

Tổng kết hội nghị ngày 12 tháng 2 vừa qua tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ông Vũ Văn Tám đưa ra bốn giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho ngành nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và cho việc sản xuất cũng như xuất khẩu cá tra nói riêng.

Biện pháp thứ nhất là rà soát lại việc cho các trang trại, các hộ nuôi cá vay vốn sản xuất nhất là những hộ nhỏ đã mất khả năng vay vốn ngân hàng. Thứ hai là xem xét lại giá cả thức ăn cho cá tôm, nếu cần cho phép nhập các loại thức ăn này để hạ giá thành sản phẩm. Thứ ba là tìm biện pháp giải quyết tốt mối liên hệ giữa người nuôi và các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Và cuối cùng là tìm thị trường và tạo thương hiệu cho cá tra Việt Nam.

Ông Dương Tấn Lộc, phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản thành phố Cần Thơ tỏ ý nghi ngờ thành quả cuộc họp.

Ông phát biểu: “Báo chí cũng đặt vấn đề là hội nghị lần này có hơn lần trước hay không? Chúng tôi nói là giờ để xem ông Thứ trưởng mới phụ trách về thủy sản xem sao. Còn bây giờ việc đưa ra ý kiến này ý kiến nọ thì chúng tôi đang chờ hành động bởi vì trong tình hình hiện tại thì nói phải đi đôi với hành để mang lại hiệu quả.”

Tuy nhiên ông Lộc cho rằng nhà nước cần phải mạnh tay can thiệp và hướng dẫn hoạt động nuôi trồng cũng như xuất khẩu thủy sản.

Ông Lộc nói: “Nhà nước cần ra tay ban đầu để tập họp các doanh nghiệp lại chế biến này cùng xuất khẩu cá tra và có mục tiêu chung, có qui chế chung, đừng chọt nhau nữa mà đối mặt với thương trường thế giới cùng chăm lo lại ích đối với người dân người nuôi cá tạo ra nguyên liệu cho mình. Chính khi mà cá tra thế giới chưa biết thì ta đi chào hàng. Còn biết rồi thì thế giới đặt hàng lại Việt Nam. Tại sao các doanh nghiệp không đặt hàng nông dân mà để nông dân đi tìm. Đó là một qui trình ngược. Do đó các nhà chế biến phải gắn kết với nhau là điều tiên quyết để thành công trong phát triển này. Bởi vì sao nói nông dân không tiếp cận thị trường thì tôi nghĩ tiếp phần nào thôi nhưng nhà chế biến mà anh tiếp anh không đặt hàng và anh không thực hiện qui trình qui chế thế giới cần thì chuyện này không chấp nhận được thì nhà nước phải ra tay.Ở chuyện này anh phải thổi còi. Nhưng để thổi còi cho tốt thì đầu tiên anh phải có qui chế. Họp lại ban đầu rồi tạo qui chế thống nhất với nhau, giao cho doanh nghiệp điều hành quản lý. Nếu có vấn đề thì nhà nước từng bước can thiệp nhưng không can thiệp sâu. Nhưng mà ban đầu nếu nhà nước buông lơi như thế này thì tôi nghĩ còn khó dài dài.”

Những người nuôi trồng và chế biến thủy hải sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long hy vọng những biện pháp được đề ra trong hội nghị vừa qua được thực thi một cách nghiêm chỉnh để giúp nông dân và doanh nghiệp vượt khó trong năm 2009.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG