Đường dẫn truy cập

Cơ quan LHQ đề xướng kế hoạch giúp người nghèo trên thế giới


Một cơ quan của Liên Hiệp quốc đang đề xướng điều họ gọi là 'một bước đột phá về quan điểm' để nâng đỡ những người nghèo nhất trên thế giới. Tổ chức Phát triển Công Nghiệp của Liên hiệp quốc cho rằng việc công nghệ hóa có tính cách lọc lựa sẽ đem đến những cơ hội tốt nhất cho các nước nhỏ đang phát triển, nhằm giúp họ đạt được tiến bộ bền vững về kinh tế. Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên đài VOA Steve Herman từ New Delhi, ngay những người hậu thuẫn cho kế hoạch vừa nói cũng thừa nhận rằng, do cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sẽ khó mà thu hút được sự đầu tư cần thiết.

Nếu như các nước thu nhập thấp và chậm phát triển muốn thoát ra khỏi cái bẫy nghèo khó, điểm then chốt là họ phải chọn sản xuất những sản phẩm phù hợp với thị trường thế giới. Đây cũng là điểm thiết yếu trong bản Phúc trình về Phát triển Công nghiệp của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc gọi tắt là UNIDO.

Cơ quan này của Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi Tổ chức thương mại thế giới dành ưu tiên cho những sản phẩm xuất khẩu cho những nước kém phát triển nhất về chế tạo.

Liên Hiệp Quốc cũng hy vọng các nước giàu hãy khai phóng các quy định về mậu dịch để cho phép các nước nghèo nhất có cơ hội thiết lập những ngành công nghiệp chế tạo hàng xuất khẩu có khả năng hoạt động.

Liên Hiệp Quốc nói những thay đổi như vậy sẽ đem lợi ích đến cho thành phần gọi là 'hàng tỉ người nằm dưới đáy', những người sống còn bằng chưa đầy 1 đô la mỗi ngày.

Tuy nhiên, đại diện của UNIDO tại Nam Á, ông Philippe Scholtes thừa nhận rằng tình hình kinh tế quốc tế u ám hiện nay sẽ gây khó khăn hơn cho các nước chậm phát triển có thể thực hiện những điểm cơ bản nhằm tạo ra những ngành chế tạo mang lại giá trị, ít ra là trong 5, 10 năm tới đây.

Ông Scholtes nói: “Cơn khủng hoảng toàn cầu chắc chắn sẽ tác hại đến những người nằm trong số 1 tỉ thuộc giai tầng thấp nhất này. Việc đặt trọng tâm vào xây dựng các cơ sở hạ tầng vật chất, các cơ sở hạ tầng về nhân lực, và khai triển các khả năng kỹ thuật có thể sẽ bị tạm gác qua một bên.”

Cơ quan của Liên Hiệp Quốc này nêu bật một các nhóm sản xuất như các khuôn mẫu có thể sử dụng được cho các nước khác để tạo ra những thành công trong ngành chế tạo hàng xuất khẩu. Có thể kể đến công nghệ đồ da Chennai của Ấn Độ; nhóm chế tạo nút áo tại Kiều Đầu thuộc tỉnh Triết Giang của Trung Quốc; khu vực sản xuất phụ tùng xe hơi tại thủ đô Jakarta của Indonesia; và trung tâm sản xuất linh kiện máy vi tính tại Otigba thuộc Nigeria.

Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc ghi nhận rằng sự tăng trưởng nhanh chóng về xuất khẩu của Ấn Ðộ trong nửa đầu thập niên vừa qua đã biến Nam Á thành khu vực phát triển nhanh nhất về xuất khẩu hàng chế tạo, theo sau là Trung Đông và Bắc Phi.

Bản phúc trình vừa kể được công bố hôm thứ hai tại New Delhi, London và nhiều thành phố khác. Tổ chức UNIDO đặt trụ sở tại Vienna thủ đô nước Áo, là một phân nhánh đặc biệt của Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ quảng bá phát triển công nghiệp và hợp tác kỹ nghệ trên thế giới.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG