Đường dẫn truy cập

Lễ hội chọi trâu hằng năm ở Ðồ Sơn


Hội chọi trâu nay đã trở thành một lễ hội hàng năm rất độc đáo của thị xã Đồ Sơn. Hàng chục ngàn người hâm mộ môn 'sửu quyền' trên cả nước Việt Nam và thậm chí từ nhiều nước khác cứ đến ngày hội lại kéo về thị xã duyên hải này để theo dõi 'vòng chung kết giải vô địch ngưu quyền'. Nhân dịp Tết Kỷ Sửu, Tấn Chương đã hỏi chuyện nhà 'đương kim vô địch chọi trâu' để gởi đến quý thính giả câu chuyện về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sau đây.

Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mùng chín tháng tám chọi trâu cũng về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng chín tháng tám cũng về chọi trâu."


Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc lễ hội gắn liền với tục thờ thủy thần và hiến sinh này. Theo ông Nguyễn Khắc Thơ, nhà vô địch chọi trâu năm 2008, thì tục chọi trâu đã có ở Đồ Sơn từ khi các bậc tổ tiên của họ đến đây khai sơn lập địa.

Nguyễn Khắc Thơ: Cách đây bốn, năm thế kỷ khi các cụ mới đến khai sơn lập ấp tại nơi chỉ có một quả núi mênh mông, chưa được đắp điếm, khai thác này, các cụ thấy hai con trâu cứ chọi nhau bên quả núi. Các cụ mới 'tín ngưỡng', và đã lập ra lễ hội mua trâu về chọi. Truyền thuyết đó được chúng tôi tiếp tục đến ngày nay.

Các nhà tham gia tranh tài tại hội 'ngưu quyền' phải khởi sự chuẩn bị ngay từ đầu năm âm lịch bằng việc đi chọn mua trâu nòi về nuôi dưỡng, luyện tập. Giải vô địch sẽ được khởi tranh bằng các trận đấu loại trực tiếp ở cấp khu vực rồi mới đến ngày chung kết 'mùng chín tháng tám'.

Nguyễn Khắc Thơ: Đời cụ, đời tổ của chúng tôi đã chơi từ lâu đời rôài, và khác với bây giờ. Trước đây tại năm làng ở Đồ Sơn, người dân của từng làng cùng góp tiền vào mua trâu mang ra hội đấu. Được thua gì cũng mang [trâu] về giết tế thần rôài chia thịt cho mọi người cùng ăn.

Bây giờ nhà nước thấy truyền thống này hay nên đã đứng ra tổ chức lễ hội, song các nguyên tắc và quy định vẫn được giữ đúng như thế. Các phường và khu mua trâu có hạn định, trước đây mỗi phường là năm trâu.

Vào tháng giêng, tháng hai đầu năm âm lịch chúng tôi phải đi mua trâu. Người đi mua trâu phải có kinh nghiệm và hiểu biết để chọn trâu chọi giỏi và gan lì.

Mùng tám tháng sáu âm lịch chúng tôi bắt đầu đấu loại. Có 32 con tham gia đấu loại 50% để còn lại 16 con. Đến ngày mùng tám tháng chín âm lịch 16 con [đã qua vòng loại] sẽ vào chọi với nhau ở vòng chung kết [cũng theo thể thức loại trực tiếp] để đến khi còn hai con cuối cùng tranh chung kết, con thua được giải nhì và con thắng được giải nhất. [Có nghĩa là] con vô địch phải thắng bốn trận trong ngày chung kết. Con hạng nhì phải thắng ba trận. Giải thưởng cho chức vô địch trước đây chỉ khoảng từ 10 đến 15 triệu đồng, sau đó tăng lên 20 triệu đồng. Năm ngoái tôi được thưởng 25 triệu đồng cho chức vô địch.

Ông Thơ, nhà vô địch chọi trâu hai lần,năm 2004 và năm 2008, mô tả diễn biến sôi động trân sân đấu trong ngày chung kết.

Nguyễn Khắc Thơ: Có một trọng tài chính điều khiển trận đấu. Hai bên có hai lá cờ cách nhau khoảng 10 mét. Hai trâu được dăét đến chỗ lá cờ. Khi thấy trọng tài phụ phẩy cờ thì phải dừng trâu lại, rút dây mũi ra, để cho chọi. Có đôi chọi lâu đến 20 phút, có đôi chọi chỉ năm phút là có con chạy. Có năm cả hai con trâu cùng hung, vào kháp hai con từ xa chạy vào dập nhau, chết thẳng một con. Lại có năm cả hai con cùng chết. Ngoài ra còn trọng tài [bàn] chỉ đạo ở trên cao, có máy móc. Họ sẽ [phát qua loa] công bố con nào thắng con nào thua cho cả tập thể cùng nghe.

Hẳn nhiên những môn chọi trâu, đá cá có vòng loại, có chung kết như thế này luôn tạo ra một 'phó sản' có tên gọi chung là 'cá độ'.

Nguyễn Khắc Thơ: Một tuần trước khi chọi người hâm mộ đã đến xem từng con trâu để bắt độ với nhau. Và ngay trên sân đấu cũng rất nhiều người cá độ với nhau. Cách đây mấy năm những kẻ gian lận cho trâu uống thuốc kích thích vài phút trước giờ đấu. Thế nhưng khi hết thuốc thì con trâu lại không chọi được nữa. Lại cũng có kẻ bôi thuốc độc vào sừng trâu để khi đối thủ 'dính đòn' sẽ bị đau. Sau này thì những vi phạm đó khi phát hiện sẽ bị phạt. Hiện nay thì chúng tôi đã bỏ được những gian lận đó rồi.

Vinh dự của 'ông trâu' vô địch là được rước về đình làng để làm lễ tế thần.

Nguyễn Khắc Thơ: Con trâu vô địch ngày hôm sau được các cụ trống chiên rước về đình làm lễ, long đình bát bửu, rồi được giết đi để tế thần. Trước đây cả làng đấu tiền mua trâu thì cả làng chia nhau thịt trâu. Nay chủ trâu cúng đình vài mươi cân thịt, và cái đầu tế lễ, phần còn lại để bán.

Nhiều người hâm mộ môn 'sửu quyền' đã cố gắng 'chọi trâu cũng về' thường cũng cố mua cho được miếng thịt 'ông trâu' vô địch để lấy hên. Năm Kỷ Sửu này chắc chắn thịt 'ông trâu' vô địch lại càng quý hơn nhiều.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG