Đường dẫn truy cập

Freedom House: Tự do trên thế giới sa sút năm thứ ba liên tiếp


Freedom House, một tổ chức theo dõi dân chủ có trụ sở ở Hoa Kỳ, nói rằng tự do toàn cầu đang giật lùi trên khắp thế giới qua năm thứ 3 liên tiếp. Cuộc thăm dò hàng năm của tổ chức này về tình trạng các quyền về chính trị và dân quyền ở 193 quốc gia không có gì đáng để ca tụng. Tuy nhiên, cũng có một vài tiến bộ khiêm nhường, theo bài tường thuật của thông tín viên Julia Ritchey của đài VOA sau đây.

Cuộc thăm dò thường niên của Freedom House đánh giá mỗi nước bằng 3 thang điểm; đó là 'tự do', 'tự do phần nào', hay 'không có tự do'.

Dùng thước đo đó, tổ chức nhận thấy rằng con số những nước được cho điểm 'tự do' trong năm 2008 là 89, tức là một nước ít hơn so với năm ngoái. Có rất nhiều sự kiện ngăn trở tự do ở khắp mọi nơi. Các vùng thụt lùi nhiều nhất là Châu Phi phía nam sa mạc Sahara và các quốc gia thuộc liên bang sô viết cũ không ở trong vùng Baltic.

Tại Châu Phi, 12 nước, trong đó có Senegal, Mauritania, Guinea, Congo và Zimbabwe, vấp phải nhiều trở ngại vì các vụ xung đột sắc tộc, những vị tổng thống ngày càng độc đoán và các cuộc đảo chính quân sự.

Nhiều khu vực trong Liên bang Xô Viết cũ còn xếp hạng thấp hơn, nổi bật là Nga và Gruzia.

Giám đốc khảo cứu của Freedom House Arch Puddington nói rằng liên bang Xô Viết cũ là vùng duy nhất cho thấy mức độ tự do liên tục sa sút trong thập niên vừa qua.

Ông Puddington nói: “Thực sự vào thời điểm ông Vladimir Putin lên làm tổng thống, chúng tôi thấy có sự sa sút liên tục trong mức độ tự do gần như về mọi chỉ số mà chúng tôi đề ra. Chúng tôi thấy các cuộc bầu cử biến thành những cuộc bầu cử giả hiệu. Chúng tôi thấy một nền tự do báo chí vững mạnh biến thành một nền báo chí bị đặt dưới quyền kiểm soát của điện Kremli. Ngoài ra, chính quyền Nga còn gần như đầu độc giếng tự do trong khu vực bằng cách triệt hạ các chế độ dân chủ của các lân quốc nữa.”

Một khu vực mà cuộc thăm dò của Freedom House thấy là có tiến bộ đáng kể là Nam Á. Các nước được ghi nhận là có nhiều tự do hơn là Pakistan, Bangladesh, Maldives, Bhutan và Nepal.

Ông Arch Puddington nói rằng đó là một trong những điểm son hiếm hoi trong một năm có đặc điểm nổi bật là trì trệ.

Ông Puddington nói: “Đây là một khu vực đã trải qua rất nhiều biến động chính trị trong những năm vừa qua. Vì thế chúng tôi cảm thấy phần nào phấn khởi trước sự kiện là trong năm vừa qua, ta đã thấy có những tiến bộ, một số cuộc bầu cử, những cuộc bầu cử thành công, những tiến bộ về dân quyền...”

42 quốc gia bị đánh giá là 'không có tự do', đại diện cho 34% dân số thế giới. Trong số này, gần 60% sống ở Trung quốc.

Ông Puddington tỏ ý thất vọng trước sự kiện Trung quốc không thực thi những cam kết cải thiện nhân quyền để được chủ trì Thế vận hội hồi năm ngoái. Ông nêu ra tình trạng trấn át tôn giáo và văn hóa ngày càng tăng đối với các sắc dân thiểu số như Uighur và Tây Tạng là những lý do khiến Bắc Kinh đi giật lùi trong thành tích về tự do.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG