Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên sẽ có biện pháp đối với người 'môi giới' phạm tội


Chính quyền Nam Triều Tiên cho biết họ sẽ có biện pháp nghiêm khắc hơn, đối với chính những công dân của họ đã phạm tội trong lúc giúp đỡ những người đào tỵ Bắc Triều Tiên tại các nước khác. Những cáo buộc liên quan đến việc hãm hiếp một thiếu nữ đang chờ nhập cư vào Nam Triều Tiên đã nêu rõ hiểm họa nhiều người Bắc Triều Tiên phải chịu qua cuộc hành trình bất hợp pháp của họ qua lãnh thổ Trung Quốc. Thông tín viên đài VOA Kurt Achin tường trình thêm từ Hán Thành.

Luật gia Nam Triều Tiên Park Sun-young mô tả hình ảnh thê thảm của cô gái đào tỵ Bắc Triều Tiên 16 tuổi bà mới gặp tại một nước Đông Nam Á như sau.

Bà Park nói cô gái đã bị chấn thương tinh thần nghiêm trọng đến độ cô đã gậm hết móng tay của mình, để trơ những khoảng thịt đỏ phía dưới. Bà Park cho biết khi bà bắt đầu lên tiếng là cô cũng run rẩy và òa khóc.

Thiếu nữ mà bà Park nói tới là một trong hàng chục ngàn người đào tỵ Bắc Triều Tiên đã chạy qua Trung Quốc để trốn tránh nạn đói, sự thiếu thốn và sự đàn áp chính trị tại quê nhà. Vì lẽ Trung Quốc cũng là một đồng minh của Bắc Triều Tiên và không nhìn nhận họ là dân tỵ nạn, những người đào tỵ đã phải chịu đựng một thời kỳ nhọc nhằn trốn tránh công an, trong cuộc hành trình tới một nước Đông Nam Á mà họ có thể xin tỵ nạn.

Ngoài chấn thương tinh thần như vừa kể, cô gái nói với bà Park là cô đã bị nhốt riêng một nơi và bị hãm hiếp nhiều lần trong suốt thời gian nửa tháng, bởi một người Nam Triều Tiên đã nói với cô là hắn ta tới đó để giúp đỡ. Cô gái tới được quốc gia thứ 3 nhờ sự giúp đỡ của một người khác, và dự kiến sẽ được điều trị y tế cùng săn sóc tâm thần khi em tới Nam Triều Tiên vào cuối tháng này.

Người Nam Triều Tiên đang bị điều tra về tội hãm hiếp vừa kể là một trong nhiều người đóng vai trò 'môi giới' tới Trung Quốc với mục đích giúp những người đào tỵ Bắc Triều Tiên có thể nhập cư vào lãnh thổ Nam Triều Tiên. Trong quá khứ, hắn ta đã từng giúp nhiều người Bắc Triều Tiên như vậy.

Nhiều người môi giới thuộc giáo hội Ki tô giáo Nam Triều Tiên. Những người khác có thể thuộc các nhóm dân sự, hoặc chỉ làm công việc môi giới đó với tư cách riêng.

Các giới chức chính phủ Nam Triều Tiên cho rằng những lạm dụng tương tự như vụ hãm hiếp này có thể đã xẩy ra thường xuyên hơn, và nói họ cam kết sẽ giải quyết vấn đề. Ông Moon Tae-young, một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên đã lên tiếng.

Ông Moon cho biết chính phủ đã nhìn nhận vấn đề này, và ông cảm thấy cần phải có hành động mạnh mẽ đối với những sự vi phạm nhân quyền và những hành vi phi pháp của một số người môi giới đưa người tỵ nạn.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền Bắc Triều Tiên thì vấn nạn vừa kể có thể coi là sự kiện không thấy được, theo đó thì những người đào tỵ có mặt ở Trung Quốc trước khi nhận được tư cách tỵ nạn hợp pháp ở một nơi khác. Một nhà hoạt động nhân quyền còn nói riêng, vì lẽ họ yếu thế không được ai giúp đỡ như thế, cho nên những người môi giới kể như có toàn quyền sinh sát đối với họ.

Theo ông Lee Young-hwan, một nhà nghiên cứu tại Hội Liên minh tranh đấu cho Nhân Quyền ở Bắc Triều Tiên trụ sở đặt tại Hán thành, thì nạn lạm dụng của những người môi giới vừa nói có thể gọi là 'một bí mật công khai'.

Ông Lee nói có những người có vẻ như có hảo ý mà rồi ra người ta phát giác rằng họ phạm những hành vi xấu xa một cách không do dự, và trong nhiều trường hợp không hề bị trừng phạt. Ông cho rằng sự trừng trị phải đủ nghiêm khắc để bảo vệ thanh danh những nhà hoạt động nhân quyền thật sự có thiện ý không lạm dụng những người đào tỵ.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG