Đường dẫn truy cập

Mỹ không còn tin ông Mugabe có khả năng chia sẻ quyền bính


Đặc sứ Hoa Kỳ tại Châu Phi, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Jendayi Frazer hôm qua cho biết Hoa Kỳ không thể tiếp tục ủng hộ thỏa thuận chia quyền giữa tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe và phe đối lập bởi lẽ ông Mugabe đã không thực hiện lời hứa về vai trò của ông trong thỏa thuận. Theo tường trình từ Nam Phi của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, thì bà Frazer đã bác bỏ tuyên bố của ông Mugabe nói rằng 'Zimbabwe là của tôi'.

Bà Jendayi Frazer nói rằng ông Mugabe không có khả năng chia quyền. Bà nói ông đã thực hiện các quyết định về chính phủ mà không tham khảo ý kiến của phe đối lập do Phong trào Thay đổi Dân chủ MDC lãnh đạo. Bà Frazer nói rằng chính phủ Zimbabwe tiếp tục xách nhiễu và bắt giữ các thành viên của phe đối lập và những người đấu tranh cho dân chủ.

Vị đặc sứ của Hoa Kỳ đang có mặt tại Nam Phi và giải thích chính sách của Hoa Kỳ đối với ông Mugabe và thỏa thuận chia quyền.

“Trong các cuộc hội ý của tôi ở khu vực này, tôi cảm thấy rằng, nói chung, ông ấy đã mất tín nhiệm, hoàn toàn mất tín nhiệm với các nước láng giềng. Câu hỏi duy nhất của họ hiện nay là “Họ sẽ làm gì?” Đây không phải là vấn đề liệu ông ta và chế độ của ông ta có tính hợp pháp chút nào hay không. Thực ra vấn đề là làm thế nào để họ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc trở lại thể chế dân chủ mà không tạo ra một phản ứng giống như một cuộc đảo chính quân sự, hoặc một hành động quân sự nào đó, hoặc một cuộc nội chiến. Đó là điều mà các lân quốc của Zimbabwe đang tranh luận. Họ không bàn đến tính hợp pháp của ông Mugabe hay chế độ của ông ta,” bà Frazer nói.

Bà Frazer nói rằng bà cũng lấy làm lo ngại về tình hình kinh tế và nhân quyền suy đồi ở Zimbabwe, kể cả sự lan tràn nhanh chóng của dịch bệnh tả đã khiến ít nhất 1100 người thiệt mạng.

Hôm thứ bẩy vừa qua, ông Robert Mugabe đã nói với một cuộc họp của ủy ban trung ương đảng ZANU-PF của ông rằng chỉ có người dân Zimbabwe mới có thể đẩy ông ra khỏi quyền lực. Ông nói rằng tuy ông đã mời lãnh tụ khối đối lập, ông Morgan Tsvangirai tham gia một chính phủ đoàn kết, ông không chắc liệu một chính phủ như thế có hiệu quả hay không.

Ông Tsvangirai đã đánh bại tổng thống Mugabe trong một cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 năm nay, nhưng không đạt được thế đa số tuyệt đối. Ông rút lui khỏi cuộc bầu cử vòng nhì hồi tháng 6 vì nói rằng mấy chục người ủng hộ ông đã bị sát hại.

Cựu tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki đã điều giải một thỏa thuận chia quyền vào tháng 9. Hôm qua, chính phủ Nam Phi ở Pretoria nói rằng thỏa thuận đó là phương sách duy nhất để tiến tới. Nhưng các nước Phi Châu khác, trong đó có Botswana và Kenya, đã kêu gọi ông Mugabe từ chức.

Đặc sứ Mỹ Jendayi Frazer cho rằng ông Mugabe là một rào cản đối với sự tiến bộ.

Bà Frazer nói: "Ông ta nên về hưu. Ông ta đã hết thời rồi. Thỏa thuận chia quyền phải được thực thi và cần phải được thực thi với một người khác không phải là ông Mugabe trong chức vụ tổng thống.”

Bà Frazer nói rằng một sự phối hợp viện trợ kinh tế và phát triển của Hoa Kỳ vào Zimbabwe là điều sẽ không được bàn tới chừng nào mà ông Mugabe còn tại chức. Bà nói thêm rằng nền dân chủ ở Zimbabwe không thể tái khởi động nêu không có một sự chia quyền thực thụ để sửa chữa điều mà gọi là 'một quốc gia thất bại'.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG