Hồi đầu tháng này, nhiều người Việt Nam đã tìm cách thu hút sự chú ý của dư luận đối với việc mà họ cho sự xâm lấn của Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Bắc kinh tuyên bố thành lập huyện Tam Sa để sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam. Trong bối cảnh đó, một trang web lớn của Việt Nam đã cho đăng một bài tham luận của tiến sĩ Trần Vinh Dự, một trí thức trẻ của Việt Nam đang làm việc ở Mỹ, nói về chiến lược diều hâu của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng vài giờ sau đó bài viết này đã bị tháo bỏ. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.
Hôm 6 tháng 12 vừa qua, giữa lúc nhiều người Việt Nam tìm cách thu hút sự chú ý của dư luận về sự xâm lấn của Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm một năm ngày chính phủ ở Bắc kinh quyết định thành lập huyện Tam Sa, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một số người đã thích thú theo dõi một bài viết được đăng tải trên một trang web lớn ở Việt Nam nói về cách ứng phó trước thái độ hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiếc thay, chỉ vài giờ sau đó, bài viết có nhan đề 'Biển Đông và chiến lược diều hâu của Trung Quốc' trên trang web của Vietnamnet đã bị rút xuống.
Chúng tôi đã tiếp xúc với tác giả của bài viết này – là Tiến sĩ Trần Vinh Dự, cố vấn của Quĩ Nghiên Cứu Biển Đông, và được ông cho biết sơ lược về nội dung bài viết như sau.
Ông Trần Vinh Dự: Đứng trên lập trường của Quĩ Nghiên Cứu Biển Đông, bài viết này đề xuất sự liên kết của các nước ASEAN để tự vệ trước sự lấn áp của Trung Quốc. Đây không phải là một ý mới - vấn đề này đã được nói tới nhiều. Điều khác biệt, nếu có, có lẽ là ở chỗ chúng tôi nhìn vấn đề dưới góc độ của tương tác chiến lược và chủ nghĩa hiện thực trong chính trị. Với tư cách là một quốc gia chúng tôi cho rằng Trung Quốc theo đuổi và giữ những lập trường có lợi nhất cho họ. Trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược mà chúng tôi gọi là chiến lược thuộc dạng diều hâu, tức là mang tính khiêu khích và tương đối hiếu chiến. Chúng tôi chỉ ra rằng điều này là tối ưu đối với Trung Quốc, nếu nhìn vào phản ứng đơn độc và yếu ớt từ các nước ASEAN. Chúng tôi cũng chỉ ra rằng chiến lược này là có thể bị đánh bại. Khi bị đánh bại thì Trung Quốc phải chuyển qua một dạng chiến lược bồ câu hơn; nói cách khác là mang tính thỏa hiệp và hòa bình hơn. Điều này cũng đã có tiền lệ, và tiền lệ này cách đây cũng không bao lâu. Đó là trong cuộc tranh chấp với Nhật ở biển Đông Trung Quốc. Và nếu như thế thì ASEAN phải liên minh với nhau trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Khi ASEAN có một lập trường thống nhất và sẵn sàng sống chết cùng nhau trên cùng một chiến tuyến thì chúng tôi cho rằng họ sẽ đánh bại được chiến lược diều hâu của Trung Quốc.
Ông Trần Vinh Dự cũng nhấn mạnh rằng tuy không có nhiều tàu chiến, máy bay và tên lửa, nhưng về mặt pháp lý ASEAN là phía duy nhất có chính nghĩa trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, và vì thế, một ASEAN liên minh trong vấn đề Biển Đông sẽ có một sức mạnh rất lớn và có thể thu hút sự ủng hộ của thế giới.
Chuyên gia chính trị kinh tế học này cũng cho biết ông không hề cảm thấy ngạc nhiên khi bài viết của ông bị Vietnamnet gỡ xuống.
Ông Trần Vinh Dự: Điều tôi ngạc nhiên là Vietnamnet đã đăng bài chứ không phải là họ đã gỡ bài này xuống. Chúng ta đều biết rõ là hệ thống báo chí của Việt Nam hiện nay là do nhà nước quản lý, và vì thế nó phản ánh lập trường ngoại giao của chính phủ Việt Nam. Trung Quốc cũng hiểu rõ điều này, và có lẽ quan trọng hơn, là Việt Nam cũng hiểu rõ là Trung Quốc hiểu rõ điều này. Thế nên việc đăng các bài có ngôn ngữ và lập trường mạnh mẽ như bài viết này có lẽ đã bị coi là không hợp thời điểm. Ngoài ra, theo chúng tôi được biết sau này là trong cùng ngày mà Vietnamnet cho đăng bài này thì cũng có một cuộc biểu tình nho nhỏ của người Việt ở Hà nội. Gộp chung những điểm đó lại thì tôi không ngạc nhiên là Vietnamnet đã gỡ bài viết đó xuống.
Ông Trần Vinh Dự tỏ ý thông cảm trước sự kiện là giới hữu trách Việt Nam đã ra sức ngăn chận những cuộc biểu tình chống Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa, vì ông cho rằng Hà nội vốn có cam kết là sẽ giải quyết vấn đề trên bàn đàm phán và không tạo ra những căng thẳng không đáng có. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng Việt Nam lẽ ra không nên nhượng bộ Trung Quốc ngay trên sân nhà của mình.
Ông Trần Vinh Dự: Việc cho phép dân chúng ở Việt Nam được bày tỏ một cách cởi mở lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, đồng thời kiên định lập trường chủ quyền hợp pháp trên biển của người Việt thì sẽ có lợi ích rất lớn vì nó cho phía Trung Quốc hiểu được lòng dân Việt Nam hiện nay như thế nào.
Khi được hỏi là giới hữu trách Việt Nam nên làm thế nào để giúp cho nỗ lực đoàn kết ASEAN trong vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông có thể mang lại hiệu quả, Tiến sĩ Trần Vinh Dự cho biết: Bước đầu tiên có lẽ là chúng ta dành thời gian để thực sự hiểu được lập trường của các bạn ASEAN khác ở trên Biển Đông. Trước khi Việt Nam vào ASEAN trọng tâm của cuộc tranh chấp này là giữa Trung Quốc với Việt Nam; và các nước ASEAN lúc đó coi thể nói là gần như nằm ngoài cuộc tranh chấp, và quan điểm của Trung Quốc đối với họ là tương đối mềm mỏng. Chỉ sau năm 1995, sau sự kiện Trung Quốc chiếm đảo Mischief từ tay Philipin, các nước ASEAN mới té ngửa rằng cuộc tranh chấp này không chỉ giới hạn giữa Trung Quốc với Việt Nam mà họ cũng là những tham gia trong cuộc chơi. Và vì thế mà chiến lược của họ cũng thay đổi. Từ đó tới nay ASEAN đã bắt đầu gần với nhau hơn và họ ý thức được rằng họ là các bên nhỏ yếu. Tuy vậy, chúng tôi thấy là sự liên kết với nhau vẫn chưa có được cái mức như ý và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để các nước ASEAN gần với nhau hơn.
Ông Trần Vinh Dự cho rằng để có thể tăng cường sự liên kết và tin tưởng lẫn nhau của ASEAN, Việt Nam cũng như các nước khác bị lôi kéo vào vụ tranh chấp này cần phải làm mềm dẻo hơn quan điểm của mình, chứ không thể cứ khư khư giữ lấy lập trường đang giữ như hiện nay.
Vị cố vấn của Quĩ Nghiên Cứu Biển Đông cũng cho biết một cách khái quát về một số dự án mà tổ chức ông đang thực hiện.
Ông Trần Vinh Dự: Hiện nay chúng tôi có dự án 'wikipedia'. Chúng tôi muốn chỉnh sửa các nội dung trên wikipedia theo hướng công bằng hơn, thay vì bị nghiêng về các thông tin do Trung Quốc cung cấp như hiện nay. Chúng tôi cũng có một số các dự án xuất bản sách ở Việt Nam và những dự án dịch thuật những tài liệu nghiên cứu và pháp lý ra tiếng Việt. Chúng tôi cũng đang tổ chức một dự án tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu của sinh viên ở Việt Nam về Biển Đông.
Để biết thêm chi tiết của các dự án cùng với những thông tin khác về Quĩ Nghiên Cứu Biển Đông, quí thính giả có thể ghé vào trang nhà của tổ chức này ở địa chỉ: www.seasfoundation.org
Đọc nhiều nhất
1