Đường dẫn truy cập

Chứng khoán trên thế giới lại rớt giá


Nỗi lo âu về tình trạng kinh tế trên toàn cầu một lần nữa lại tác động đến các thị trường tài chính trên thế giới. Sau khi các chỉ số chứng khoán trên thị trường châu Á rớt điểm vào sáng thứ ba, lại đến lượt các chỉ số chứng khoán châu Aâu sụt điểm. Từ London, Thông tín viên Tom Rivers tường thuật một số chi tiết về tình hình kinh tế hôm thứ ba.

Lý do khiến viễn ảnh kinh tế toàn cầu trở nên u ám bắt nguồn từ nỗi lo sợ rằng nền kinh tế của Hoa Kỳ có thể rơi vào tình trạng suy trầm. Mới đây Circuit City, một hệ thống bán lẻ hàng điện tử ở Hoa Kỳ đã nộp đơn khai khánh tận để được luật pháp bảo vệ, và đây là dấu hiệu mới nhất về tình trạng suy thoái của các hoạt động kinh tế tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra, những lo ngại về hoạt động của 3 đại công ty sản xuất xe hơi của Hoa Kỳ tiếp tục khiến giới đầu tư chú ý theo dõi với nhiều quan tâm. Một trong 3 công ty sản xuất xe hơi hàng đầu ở Mỹ là General Motors đã công bố số lỗ lã trong quí 3 lên đến 2 tỉ 500 triệu đô la. General Motors nói có thể công ty sẽ không còn đủ tiền mặt để hoạt động trong năm tới. Chỉ qua một đêm, cổ phần của công ty đã rớt giá 23%, thấp đến mức chưa từng thấy tính từ sau Thế chiến Thứ 2 đến nay.

Tại châu Âu, giá dầu đang bắt đầu hạ xuống. Và các chứng khoán thuộc lĩnh vực tài chính như của ngân hàng đầu tư UBS và Deutsche Bank cũng bị tác động mạnh.

Lên tiếng tại London, Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown, nói ông muốn thấy thế giới phối hợp hành động trên mặt trận kinh tế, khi các nhà lãnh đạo thế giới đến dự hội nghị kinh tế ở thủ đô Washington vào cuối tuần này.

Thủ tướng Brown nói: “Chúng ta đang ở trong vị thế phải hành động. Các nước, kể cả Đức, Pháp và các nước khác mà tôi đã đề cập đến như Trung Quốc chẳng hạn, đang đề ra những biện pháp thích nghi. Chúng tôi đã xúc tiến một số biện pháp và sẵn sàng cứu xét một số bước quyết liệt hơn. Đó là cách để đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu thực hiện những bước hành động rời rạc, không phối hợp, thì chúng ta sẽ không giúp thay đổi được tình hình. Điều mà chúng ta cần phải có là một chiến lược có phối hợp, mà còn phải là một chiến lược phối hợp trên toàn cầu, chứ không chỉ trong một nước.”

Ông Brown nhận đinh rằng các nước chỉ có một sự lựa chọn duy nhất có hiệu quả, đó là cùng hợp lực làm việc.

Thủ tướng Anh nói: “Tôi xin lập lại, đây là một vấn đề toàn cầu mà chúng ta thấy đang lan rộng trên khắp thế giới, vì vậy cần phải có các giải pháp toàn cầu. Và đó là lý do vì sao tôi đã hối thúc việc mở một hội nghị ở Washington, và cũng là lý do vì sao tôi hy vọng qua hội nghị đó, mọi người sẽ thấy tất cả mọi nước đang sẵn sàng đưa ra những bước hành động cần thiết.

Sự trì trệ trong các hoạt động kinh tế đang ngày càng rõ nét hơn ở châu Aâu. Tại Anh, số nhà bán được đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 30 năm qua, và thương vụ bán lẻ trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ 3 năm qua.

Nhiều nhà phân tích tin rằng các kế hoạch kích thích kinh tế được đề ra bởi các nước đến dự hội nghị ở Washington, sẽ giúp đẩy mạnh mức tiêu thụ nội địa ở những quốc gia như Anh chẳng hạn. Giới phân tích cũng khuyến cáo các nước chớ nên dựng lại các rào cản đối với các giao dịch thương mại.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG