Đường dẫn truy cập

Ngũ Giác Ðài chuẩn bị cho việc chuyển đổi Tổng thống trong thời chiến


Sự kiện chuyển đổi chức vụ Tổng thống hiện nay tại Washington là sự kiện đầu tiên kể từ năm 1968, khi tổng thống Lyndon Johnson bàn giao chức vụ cho tổng thống Richard Nixon trong chiến tranh Việt Nam. Điều này đặc biệt ý nghĩa tại trụ sở Bộ Quốc phòng là Ngũ Giác Ðài. Thông tín viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Al Pessin tường trình về những cuộc chuẩn bị để đón tiếp các viên chức mới vào giờ phút mà ông Obama nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng sắp tới.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Bryan Whitman đã đưa các ký giả đi tham quan các văn phòng được sắp xếp cho đội ngũ kế tục của ông Obama tại Ngũ Giác Đài.

Ông Whitman nói: “Có 3 khu vực rộng tương tự như thế này. Chúng tôi đã trang bị computer, điện thoại, những văn phòng phẩm cơ bản sẵn sàng cho mọi người bắt đầu công việc. Chúng tôi sẵn sàng bất kỳ lúc nào’’

Trên một bàn giấy còn có một tài liệu hướng dẫn đặc biệt chuẩn bị cho việc bàn giao, và Whitman nói các viên chức đã thảo ra một bản danh sách với hơn 10 vấn đề quốc phòng mà chính quyền mới cần giải quyết sớm trong nhiệm kỳ của họ.

Ông Whitman nói: “Vì nước chúng ta có một lịch sử dài về sự kế tục suôn sẻ các cấp lãnh đạo, điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện điều đó càng hiệu nghiệm và càng hiệu quả càng tốt vì chúng ta là một quốc gia đang ở trong chiến tranh.”

Những văn phòng mới được tân trang dành cho khoảng hơn 20 nhân viên nằm trong khu vực vòng ngoài hoành tráng của Ngũ giác đài, ngay phía dưới hành lang văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, cũng không xa khu văn phòng của sĩ quan chỉ huy quân sự Hoa Kỳ là Đô đốc Mike Mullen.

Ông Whitman hy vọng là bản doanh chuyển tiếp của ông Obama ở Chicago sẽ mau chóng gửi tới tên tuổi của nhóm viên chức đầu tiên sẽ làm việc tại các văn phòng này, và họ sẽ bắt đầu nghiên cứu cả núi những thông tin mà họ cần khi tiếp nhận hàng ngàn chương trình của Bộ Quốc phòng và việc kiểm soát các lực lượng Hoa Kỳ trên toàn thế giới.

Ông Whitman nói: “Tất cả mọi người đều hiểu sự khó khăn có một không hai phía trước cơ quan này, vì sự kiện chúng ta có quân lực trong các khu vực chiến đấu trên khắp thế giới, liều mình tham gia cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Và tôi biết bộ này sẽ có những cố gắng tuyệt đỉnh nhằm bảo đảm mọi sự càng trôi chảy càng tốt để không còn gì trục trặc vào ngày 20 tháng Giêng sắp tới.”

Đội ngũ của ông Obama có nhiều điều phải học hỏi, và có thể vị tân Tổng thống sẽ chỉ định 200 viên chức chính trị tới Ngũ Giác Đài mà một số đông sẽ đảm đương các chức vụ trọng yếu về hoạch định chính sách và quản lý. Có một điều rất quan trọng là những viên chức mới phải hiểu tường tận về guồng máy quân sự Mỹ hoạt động nhu thế nào, ngoài ra, họ còn cần tiếp thu rất nhiều thông tin mật về những vấn đề cơ bản, trong đó có những cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, để có thể đưa ra những quyết định về chính sách.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là có thể rút quân khỏi Iraq nhanh mức nào. Ông Obama đã kêu gọi rút toàn bộ quân tác chiến trong vòng 16 tháng kể từ khi ông nhậm chức.

Các vị sĩ quan cao cấp trong quân đội thì phản đối thời khóa biểu chặt chẽ quá, họ nói rằng tuy một vài việc có thể sớm thực hiện, nhưng họ vẫn muốn những quyết định trong tương lai nên căn cứ trên những tình huống luôn luôn thay đổi tại chỗ. Ngoài ra, còn có một số việc cần cứu xét về chiến lược Mỹ tại Afghanistan.

Những sĩ quan cao cấp do tổng thống Bush chỉ định sẽ còn tại chức ít ra là một thời gian nữa. Đứng đầu là Ðô đốc Mullen, chủ tịch ủy ban tham mưu liên quân, người còn ít nhất một năm tại chức. Đô đốc nói ông đang mong đón nhận ý kiến của tổng thống tân cử Obama để đệ trình những lời khuyên tốt nhất về mặt quân sự và thực hiện các quyết định của tân Tổng thống.

Viên sĩ quan chỉ huy quân sự tối cao của Hoa Kỳ vói trách niệm trực tiếp về Iraq và bây giờ là cả Afghanistan cũng còn tại vị. Ông chính là người mới được bổ làm chỉ huy Bộ tư lịnh miền Trung Hoa Kỳ, tướng David Petraeus, người được tiếng là đã đảo ngược cuộc chiến tại Iraq trong một năm rưỡi qua. Trong một cuộc phỏng vấn xảy ra trước cuộc tuyển cử, Petraeus đã phủ nhận tin đồn có căng thẳng giữa ông và tổng thống tân cử.

Ông Petraeus nói: “Bất kỳ khi nào có sự chuyển đổi chính quyền, dù là ai nhậm chức, cũng có những cuộc đối thoại bàn về sự quan trọng tương đối của các sứ mạng khác nhau. Có những điều do các cấp lãnh đạo quân sự tại Pentagon yêu cầu về những lực luợng cần thiết để thực hiện các sứ mạng khác nhau, việc cân nhắc mức độ ưu tiên của các sứ mạng đó, vì tài nguyen thì không phải là vô giới hạn…Vì thế sẽ có những cuộc nói chuyện như vậy và đó là điều các cấp lãnh đao Pentagon sẽ cần quan tâm.”

Một vài chuyên gia tin rằng tân tổng thống sẽ không làm điều gì có thể gây nên hiểm họa trở ngược thế cờ tại Iraq, dù rằng điều đó có nghĩa là sẽ gây ra việc ông sẽ không giữ nổi một vài lời hứa đã đưa ra trong cuộc tranh cử.

Thắc mắc chính là ai sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền ông Obama. Một vài ý kiến trên mặt báo cho rằng nên giữ lại ông Gates. Nhưng trong một cuộc họp báo hồi tháng Tư ông đã nói là ông không quan tâm.

Ông Gates nói: “Tình huống trong đó tôi hành động là không thể hiểu được”

Bộ trưởng Gates nói ông muốn lui về miền tây Hoa Kỳ với vợ ông, nhưng có những ý kiến cho là ông có thể lưu lại một thời gian nếu được yêu cầu. Cũng có nhiều cuộc bàn cãi liên quan tới việc ai sẽ kế tục nếu ông ra đi. Tất cả những câu hỏi đó sẽ sớm có câu đáp, vì đội ngũ chuyển tiếp của ông Obama đã bắt tay vào công việc và bắt đầu suy nghĩ xem sẽ phái ai tới những văn phòng mới được chuẩn bị tại Ngũ Giác Ðài.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG