Đường dẫn truy cập

Cựu thủ tướng Bangladesh Hasina bị bác đơn xin tại ngoại hầu tra


Tối cao Pháp viện Bangladesh đã bác đơn của cựu Thủ tướng Sheik Hasina xin tại ngoại hầu tra trong một vụ án tham nhũng, khiến bà không thể tham gia cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Parischa của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.

Tối cao Pháp viện Bangladesh quyết định bác đơn xin tại ngoại hầu tra của Sheik Hasina, lãnh tụ của Liên đoàn Awami, chỉ vài ngày trước khi bà trở về nước.

Vị cựu thủ tướng này đang ở Mỹ sau khi được phóng thích tạm để đi chữa bệnh. Khi trở về nước bà dự định tiến hành cuộc vận động bầu cử quốc hội để chấm dứt quyền cai trị trong tình huống khẩn cấp đã kéo dài 2 năm nay.

Tuy nhiên, các luật sư của Sheik Hasina cho biết quyết định của Tối cao Pháp viện khiến cho vị cựu Thủ tướng này không thể tham gia cuộc bầu cử. Theo luật lệ ở Bangladesh, những người được tại ngoại hầu tra có thể tham gia bầu cư,û nhưng những người bị giam cầm hoặc được phóng thích tạm thì không được quyền làm như vậy.

Giáo sư chính trị học của Đại học Dhaka, ông Ataur Rahman cho biết nhiều người e rằng Liên đoàn Awai sẽ tẩy chay cuộc bầu cử.

Ông Rahman nói: "Nếu không được sửa đổi vụ này có có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự tham gia của Liên đoàn Awami trong cuộc bầu cử. Dường như lập trường của họ hiện giờ là họ sẽ không tham gia bầu cử mà không có bà Hasina. Cho đến nay, cả hai đang đều nhất định theo đuổi đường lối là chỉ tham gia bầu cử cùng với các nhân vật lãnh đạo hàng đầu của họ."

Cả hai lãnh tụ của hai đảng chính - Sheik Hasina của Liên đoàn Awami và bà Khaleda Zia của Đảng Quốc Dân Bangladesh, đã bị chính phủ do quân đội hậu thuẫn bắt bỏ tù hồi năm ngoái vì các cáo giác tham nhũng. Hai phụ nữ này đã nắm quyền trong 17 năm qua và bị cho là đã gây ra nhiều vấn đề chính trị.

Trước đây, các nhà lãnh đạo của chính phủ khẩn cấp hy vọng là sẽ loại hai vị cựu thủ tướng này ra khỏi chính trường để diệt trừ tệ nạn tham ô. Nhưng các nhà phân tích nói rằng sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các đảng dành cho hai chính khách này khiến cho cuộc bầu cử khó lòng được tự do và công bằng mà không có sự tham dự của họ.

Bà Zia và bà Hasina đã được phóng thích trong mấy tháng qua và nhiều người hy vọng là điều này dọn đường cho các đảng chính trị chính tham gia cuộc tuyển cử.

Chính quyền khẩn cấp Bangladesh đang chịu nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế đòi họ tổ chức bầu cử và phục hồi dân chủ.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG