Đường dẫn truy cập

Việt Nam muốn cân bằng quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, Trung Quốc


Tiến sĩ Trần Lê Anh tốt nghiệp ngành luật, chính sách và xã hội tại trường đại học Northeastern, thành phố Boston. Ông đang dạy Kinh tế và Quản trị tại trường đại học Lasell, trong bang Massachusetts. Gần đây, ông đã viết một bài trên Asia Times, ấn bản điện tử, để đưa ra những nhận xét về quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. VOA nhờ ông tóm tắt những ý chính trong bài viết này.

VOA: Thưa Tiến sĩ Trần Lê Anh, các dự án đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam quan trọng như thế nào, và so với các dự án đầu tư của các nước khác thì Mỹ hiện nay đứng ở hạng nào?

TS Anh: Mặc dù các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam trễ hơn các nhà đầu tư các nước châu Á khác, nhưng đầu tư Mỹ tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất Việt Nam trong quý 1 năm nay với tổng số đăng ký đầu tư 1,3 tỉ đôla. Cẩn lưu ý, đầu tư Mỹ tập trung những lãnh vực đòi hỏi đầu tư máy móc hiện đại; hoặc các ngành dịch vụ có chuyên môn cao như tư vân, tài chính; có nghĩa là đầu tư của Mỹ giúp chuyển giao công nghệ và tri thức có lợi cho nền kinh tế nói chung.

VOA: Từ khi ký Hiệp định Thương mại Song phương với Mỹ cách đây 7 năm, Việt Nam đã nhận được những lợi ích gì?

TS Anh: Hiệp định Thương mại Song phương với Mỹ tạo tiền để cho Việt Nam đi sâu hơn vào việc cải tổ kinh tế, hàng loạt luật lệ cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ sự cải tổ này, Việt Nam đã cải thiện được môi trường đầu tư đáng kể, liên tục thu hút vồn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Nhờ hiệp định này Việt Nam đã biến Hoa Kỳ thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Năm ngoái thặng dư mậu dịch của Việt Nam khi buôn bán với Hoa Kỳ là 8,7 tỉ đôla. Một điểm đáng nói: khi phát triển kinh tế thị trường, các xí nghiệp quốc doanh phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài; trước tình hình này các xí nghiệp quốc doanh nào làm ăn thua lỗ phải cải tổ cho hiệu quả hơn hoặc bị cổ phần hóa. Theo ý tôi, điều nào cũng tốt cho kinh tế Việt Nam.

VOA: Phía Hoa Kỳ thực sự trông đợi những gì khi buôn bán với Việt Nam?

TS Anh: Điều bao quát nhất, Hoa Kỳ muốn Việt Nam phát triển một nền kinh tế thị trường, có luật lệ rõ ràng, hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Nói vế chi tiết hơn, Hoa Kỳ muốn Việt Nam ban hành các luật lệ mới, thúc đẩy cho cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa cho các ngành dịch vụ của Mỹ vào Việt Nam, như tài chính, viễn thông.

VOA: Trong quan hệ kinh tế hai nước hiện nay, có còn những điểm nào gọi là những điểm vẫn còn khúc mắc hay không?

TS Anh: Có. Có. Để thực hi những cam kết trong Hiệp định Thương mại Song phương, Việt Nam đã sửa đổi và ban hành cả trăm luật lệ mới. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữaluật lệ trên giấy tờ và thực thi trong thực tế. Vấn đề ở đây là quản lý hành chính chưa hiệu quả và tham nhũng. Gần đây có 2 bản khảo sát được công bố. Một của tổ chức Minh bạch Quốc tế về cảm nhận tham nhũng từ ít đến nhiều, Việt Nam đứng thứ 121 trong 181 nước và vùng lãnh thổ được khảo sát. Một của công ty kiểm toán Ernst and Young, 96% doanh nghiệp Việt Nam được phỏng vấn nói rằng họ có dính líu đến hối lộ và tham nhũng.

VOA: Hai nước đang chuẩn bị cho chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tiến trình đàm phán đã đi tới đâu, và nếu có được chế độ này thì sẽ có những ảnh hưởng gì?

TS Anh: GSP được Hoa Kỳ áp dụng nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển tăng xuất khẩu để xóa đói giảm nghèo, có thể bán sang Mỹ khoảng 3.400 mặt hàng mà không phải trả thuế quan. Nếu Việt Nam được hưởng quy chế GSP này thì sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu sẽ tăng rất cao và sẽ khuyến khích đầu tư để tập trung xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm. Vào tháng 5 Việt Nam đã nạp đơn xin cấp GSP. chính phủ Mỹ đang xem xét, giữa lúc có nhiều công ty Mỹ thúc dục nên cấp co Việt Nam càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ có khả năng cao quy chế này được cấp trước khi ông Bush rời Nhà Trắng.

VOA: Qua nghiên cứu của cá nhân, Tiến sĩ có nghĩ rằng quan hệ thương mại hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam sẽ làm Trung Quốc dị ứng hay không?

TS Anh: Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ lịch sử lâu đời và có khúc mắc. Việt Nam luôn luôn phải tính toán đến Trung Quốc. Khi qke với Hoa Kỳ Việt Nam phải tính chuyện cân bằng. Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn ảnh hưởng Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc cảm thấy quan hệ Việt Mỹ có tính cách gắn bó quân sự để đề phòng Trung Quốc thì họ sẽ gây khó dễ. Về khía cạnh này, tôi nghĩ Việt Nam đã khéo léo tạo một thế cân người trong tổng thể chiến lược ngoại giao bằng cách tập trung vào quan hệ kinh tế với Mỹ và Mỹ cũng hiểu được điều đó. Cho nên ở đây Trung Quốc không có lý do gỉ để dị ứng cả. Mở rộng quan hệ ngoại giao để làm ăn là xu hướng chung của toàn cầu. Hiện nay Trung Quốc cũng muốn ổn định hòa bình trong khu vực để làm ăn. Đó là điều quan trọng.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn do Huy Phương thực hiện.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG