Đường dẫn truy cập

Di sản của Tướng Petraeus


Vị chỉ huy cấp cao nhất của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq sẽ rời chức vụ của ông vào thứ Ba này sau một năm rưỡi đầy các biến cố đáng ghi nhớ, trong đó ông đã được nhiều người cho là có công đảo ngược tình trạng bạo động leo thang dường như đã có chiều hướng đẩy quốc gia này vào một cuộc nội chiến. Từ Baghdad, Thông tín viên Al Pessin của đài VOA tường trình về di sản mà Ðại tướng David Petraeus để lại tại Iraq và nhiệm vụ mới đầy cam go của ông.

Vào tháng Hai năm ngoái, ngay lúc tướng Petraeus tới Iraq, có 81 quân nhân Hoa Kỳ bị hạ sát. Con số đó đã lên đến mức 126 người hồi tháng Năm năm ngoái, vào lúc binh sĩ Mỹ được điều động thêm đến Iraq và tướng Patraeus đã ra lệnh cho họ tiến vào các làng và các khu xóm tại Iraq để trấn dẹp các phe phái nổi dậy.

Trong những ngày này, số tổn thất của binh sĩ Hoa Kỳ tại đó trung bình khoảng 20 người một tháng. Và số thương vong của người Iraq cũng đồng thời giảm xuống, cùng với sự sụt giảm khoảng 85% các cuộc bạo động nói chung.

Trung tá John Nagl nói: “Ông ấy đã đảm trách một cuộc chiến tranh rõ ràng là đang thua và ông đã xoay chuyển hẳn được tình thế. Nếu tôi phải viết một cuốn sách về sự phục vụ của tướng Petraeus trong vòng 18 tháng qua thì tôi sẽ đặt tên cho cuốn sách này là “Một Khúc Quanh “

Đó là lời phát biểu của Trung tá Bộ binh hồi hưu John Nagl, từng phục vụ tại Iraq trong buổi đầu của cuộc chiến, và hiện đang là một chuyên gia phân tích tại Trung tâm An ninh mới của Hoa Kỳ tại Washington.

Tướng Nagl nhận định “Vai trò riêng của ông, viễn kiến của chính ông, sức mạnh của chính ông, và sự hiểu biết của riêng ông về công cuộc chống nổi dậy đã đưa ông tới quyết định thực hiện một chiến lược mới. Ông đã hiểu rằng chìa khóa thành công trong bất cứ chiến dịch chống nổi dậy nào cũng là bảo vệ dân chúng. Nhiệm vụ đó phải được đặt lên trên hết.”

Chính hai vòng phục vụ đầu tiên của Tướng Petraeus tại Iraq đã khiến ông tin tưởng rằng cần phải có một chiến lược mới. Trong năm 2006, trong khi chỉ huy một đơn vị phân tích chính của Lục quân, ông đã ra lệnh viết ra một chủ thuyết mới về chống nổi dậy. Đầu năm 2007, với các cuộc bạo động tại Iraq tưởng chừng như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, Tổng thống Bush đã ra lệnh cho Ðại tướng Patraeus đem chủ thuyết mới ra áp dụng.

Sự thành công của ông đã được các nhà phân tích chính trị thuộc đủ mọi tầng lớp ca ngợi. Ông Michael O’Hanlon của Viện Brookings là người lúc đầu đã hoài nghi về chiến lược mới và việc tăng gia quân số kèm theo chiến lược đó.

Ông O’Hanlon nói: “Chúng ta phải nói rằng, chiến thuật đó trên cơ bản thực là phi thường. Đó là một sự trở lại mới nhất, vĩ đại nhất trong quân sử Mỹ, có lẽ từ thời Nội Chiến tới nay.”

Tại trường đại học Boston, ông Andrew Bacevich cũng khen Tướng Petraeus là đã góp phần tránh được thất bại tại Iraq. Nhưng ông không chắc chắn là công lao của Tướng Petraeus xứng đáng được ca ngợi bao nhiêu trong thành quả này.

Ông Bacevich nói: “Tôi cho rằng đó là một vấn đề mà các sử gia sẽ bàn cãi. Tự thân việc tăng quân số, khi nói đến việc tăng thêm khoảng 30,000 binh sĩ Mỹ, có lẽ không có tính quyết định. Việc quan trọng hơn, có lẽ là việc thay đổi chiến thuật, hay chủ thuyết, mà Tướng Patraeus đã đề xuất.”

Ông Bacevich nói rằng Tướng Patraeus rất tài giỏi, nhưng ông cũng may mắn, nhờ lực lượng dân quân chính của người Shia tuyên bố ngưng bắn, và do việc các thủ lãnh bộ tộc Sunni không hợp tác với các phần tử nổi dậy al- Qaida nữa mà chuyển sang hợp tác với chính quyền mới của Iraq.

Ông Bacevich nói: “Theo như tôi hiểu, lập luận của việc tăng quân là giảm thiểu mức độ bạo động, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho một sự hòa giải chính trị giữa những người Iraq với nhau. Các cuộc bạo động đã lắng xuống đến một mức đáng kể. Nhưng riêng tôi, tôi không thấy rằng sự hòa giải chính trị đó, và tiếp theo là việc Hoa Kỳ chấm dứt sự can dự, sẽ sớm xảy ra trong nay mai.”

Khi đáp máy bay ra khỏi Iraq, Tướng Petraeus biết rằng chẳng bao lâu nữa ông sẽ trở lại. Với chức vụ mới là Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy miền Trung của Hoa Kỳ với trách nhiệm chỉ huy tất cả các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ tại Trung Đông và Trung Á, kể cả Iraq và Afghanistan. Vì vậy, câu hỏi kế tiếp đối với các nhà phân tích như ông Michael O’Hanlon là liệu vị tướng lãnh này có thể chuyển thành công của ông từ Iraq sang Afghanistan, là nơi bạo động đang gia tăng hay không.

Ông O’Hanlon nói: “Chuyện không dễ như vậy. Chúng ta sẽ không có những khả năng ở Afghanistan như chúng ta đã có tại Iraq. “

Tuy nhiên, ông John Nagl nói rằng có một số bài học chủ chốt rút ra được từ chủ thuyết chống nổi dậy của Tướng Patraeus, và từ thành công của ông tại Iraq, chắc hẳn ông có thể đem áp dụng cho Afghanistan.

Ông John Nagl nói: “Những nguyên tắc về chống nổi dậy mà Tướng Petraeus đã áp dụng rất hữu hiệu tại Iraq thực ra cũng dạy cho chúng ta nhiều điều về một phương sách tốt hơn cho cuộc chiến tại Afghanistan,một cuộc chiến mà hiện nay đang diễn tiến không được tốt. Có lẽ, bài học quan trọng nhất là sự tối cần thiết trong việc tạo dựng an ninh từ cấp thôn làng, xã ấp. Và cách duy nhất để làm được một cách lâu dài là đưa thêm binh sỹ vào. Vì thế chúng ta phải đưa thêm quân vào tận những nơi ấy; chúng ta dứt khoát cần tăng quân số tại Afghanistan, khoảng nhiều lữ đoàn. Và tôi hy vọng là sẽ thấy chuyện này được thực hiện vào năm 2009.”

Tuần trước, Tổng thống Bush đã loan báo việc điều động một số người trong bước đầu của việc tăng quân tại Afghanistan, nhưng trước sự kiện các đơn vị khác theo thời biểu sẽ rời Afghanistan, thì số quân tăng viện cũng chỉ tăng khoảng 1,500 và cũng phải đợi tới tháng hai sang năm.

Các giới chức cũng nói rằng thành quả đạt được tại Iraq còn rất mong manh, vì vậy không thể chuyển các nguồn lực từ Iraq sang Afghanistan một cách quá nhanh chóng.

Nếu tình hình tiếp tục cải thiện tại Iraq, Tướng Petraeus có thể có được một ít lực lượng bổ xung ông cần cho Afghanistan, nhưng cũng phải tới giữa sang năm. Và chuyện này sẽ tùy thuộc vào quyết định của vị tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ được bầu lên.

Như thể cuộc chiến tranh tại Iraq chưa phải là một thách thức đủ phức tạp, Tướng Patraeus nay sẽ phải cân bằng giữa các nhu cầu liên tục ở đây với các trách nhiệm mới của ông tại Afghanistan, những quan ngại về các sào huyệt của các phần tử nổi dậy và thành phần khủng bố tại Pakistan, và các chính sách của một vị Tổng tư lệnh Quân đội mới của Hoa Kỳ ở thủ đô Washingon.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG