18 quả chuông rất cổ xưa vẫn ngân vang từ một tháp chuông của đại học Harvard trong 78 năm qua đã được đưa về cố quốc bên Nga. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả nghe câu chuyện của Thông tín viên Adrea Shea về lịch sử giàn chuông này như sau.
Những quả chuông được đúc với những đường nét trang trí công phu, tỉ mỉ, treo trên gác chuông của khu Lowell House dành cho sinh viên nội trú của khuôn viên đại học Harvard vẫn ngân vang mỗi chiều chủ nhật trong suốt 15 phút. Sinh viên ban cao học Ben Rappaport là trưởng toán kéo chuông cho biết anh và các sinh viên khác trong toán thường đánh giàn chuông đồng vĩ đại này theo các điệu nhạc đương thời.
Một trong những điệu được ưa thích nhất, đặc biệt trong mấy tháng qua, là nhạc nền trong cuốn phim Harry Potter.
Nhưng không phải ai cũng ưa thích giàn chuông này. Và quả thực, khi chúng được gắn lên gác chuông của đại học Harvard trong thập niên 1930, các sinh viên sống trong khu nội trú Lowell House không chịu nổi tiếng chuông lanh lảnh và họ đã bực tức phản ứng bằng cách nhét cả cuộn giấy vào hệ thống cống rãnh của nhà vệ sinh. Theo bà Diana Eck, giáo sư về tôn giáo trông nom khu nội trú Lowell House, cho hay 80 năm sau các sinh viên cũng vẫn bực bội về tiếng chuông này.
Bà Eck nói: "Trong rất nhiều năm, không có ai ở đây biết kéo chuông sao cho đúng. Tựa như chơi nhạc jazz, giàn chuông cần đến cả một nhóm nhiều người kéo theo cách tự phát. Đến khi chúng tôi bắt đầu được nghe người Nga kéo giàn chuông này thì chúng tôi hiểu ngay rằng đây chính là những quả chuông của họ."
Khởi thủy, giàn chuông đã đổ hồi tại chủng viện Danilov tại Mascova. Vào những năm của thập niên 1920, lãnh tụ Xô Viết Joseph Stalin đã phát động một chiến dịch tàn bạo nhắm tiêu diệt giáo hội chính thống Nga, giết các tu sỹ và hủy hoại tài sản thiêng liêng của giáo hội. Nhưng giàn chuông tại chủng viện này đã được cất giấu. Đến thập niên 1930, kỹ nghệ gia Hoa Kỳ Charles Crane đã mua lại giàn chuông từ chính phủ Xô Viết và tặng cho đại học Harvard.
Với sự tan rã của Liên Bang Xô Viết năm 1991, giáo hội này bắt đầu cuộc vận động để thu hồi lại giàn chuông. Giáo sư Diana Eck làm việc từ năm 2003 để dàn xếp đưa giàn chuông cổ xưa này qui cố hương.
Bà Eck nói: "Giàn chuông đã được bảo lưu ở đây trong tình trạng có thể coi như là tỵ nạn tạm thời ở gác chuông này. Và điều thật rõ ràng trước đây cũng như bây giờ, là đã đến lúc xét đến việc trả những quả chuông này về cho cố quốc. Vì thế cũng phải mất một thời gian và hôm nay thật sự là cao điểm của sự trao đổi đó."
Trong tháng qua, giữa lúc ban đồng ca cất tiếng hát, giàn chuông từng chiếc một đã được hạ xuống bằng cần trục, ra khỏi gác chuông của khu nội trú Lowell House. Quả chuông với tên gọi là Lent Bell cân nặng hơn 1800 kilogram. Lớn nhất trong giàn chuông này là quả chuông 'Mother Earth' nặng hơn 10,000 kilogram'. Cha bề trên Alexy của chủng viện Danilov đã ban phép lành khi giàn chuông được chất lên trên một chiếc xe tải hạng nặng.
Thầy dòng phụ giảng Roman, trưởng toán kéo chuông của chủng viện, đã tháp tùng cha bề trên trong chuyến đi. Theo thầy Roman thì nghi lễ này là một diễn biến quan trọng vì lẽ giờ đây những quả chuông này biểu trưng cho cuộc xung đột đã chấm dứt giữa nhà nước Nga với giáo hội. Ông phát biểu qua một thông dịch viên.
Thầy Roman nói: "Vì thế bộ chuông này là một trong những vật thiêng liêng nhất nối kết chúng tôi với thời kỳ đó."
Theo thầy phụ giảng Roman thì giàn chuông chính là tiếng nói của nhà thờ và một lần nữa sẽ là một trong những giàn chuông tốt và quí giá nhất tại Mascova.
Thầy cho biết rất vui mừng và cả nước Nga cũng vậy.
Thầy Roman nói: "Dân chúng từ St. Petersburg đến Mascova sẽ ăn mừng. Người ta trông đợi tất cả Mascova sẽ hoan hỉ. Tất cả chuông nhà thờ trong thành phố sẽ ngân vang."
Để đánh dấu lúc bộ chuông được đưa đi, thầy Roman và các giới chức đại học Harvard mỗi người đều kéo quả chuông Matorin, cổ xưa nhất trong bộ chuông, được đúc năm 1682. Sau đó thì quả chuông này và 17 quả khác đã bắt đầu cuộc hành trình dài qui cố hương, trở về nước Nga.
Nhưng gác chuông trên nóc khu nội trú Lowell House sẽ không im tiếng lâu. Một bộ chuông khác, gần giống hệt như vậy, cũng được đúc tại bên Nga, chẳng bao lâu nữa sẽ thay chỗ cho giàn chuông cổ trên nóc khuôn viên đại học Harvard.
Đọc nhiều nhất
1