Đường dẫn truy cập

Chương trình Cho vay vi mô giúp doanh nghiệp ở các nước nghèo


Các cuộc nghiên cứu cho thấy các nhà doanh nghiệp đều có chung một số đặc tính giúp cho họ có đủ động lực để khởi sự các doanh nghiệp mới, thông tín viên Barry Wood của đài VOA tường trình rằng đối với các nhà doanh nghiệp thành công, những lợi lộc tài chánh không phải là nguồn động viên duy nhất, và họ thường phải khắc phục nhiều nghịch cảnh to lớn.

Ngân Hàng Grameen ở Bangladesh là một định chế đã vạch ra một lối đi mới cho ngành ngân hàng. Nhà băng này hầu như chỉ cho phụ nữ vay tiền, và những khoản tiền cho vay nhỏ dùng để làm ăn do Grameen cấp, đều được hoàn trả đầy đủ trong hầu hết mọi trường hợp.

Ông Muhammad Yunus là người sáng lập ngân hàng Grameen và được coi như một vị anh hùng tại nước ông. Ngân Hàng Grameen của ông là ngân hàng đầu tiên cho người nghèo vay tiền trên quy mô lớn, thân chủ của ngân hàng này là những người nuôi mộng trở thành một nhà doanh nghiệp trong thế giới đang phát triển. Nhờ sáng kiến cung cấp các khoản tiền tín dụng nhỏ cho người nghèo mà ông Yunus và ngân hàng của ông đã được chọn để nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 2006.

Về vinh dự này, ông Yunus nói: "Đây quả là một tin vui. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy phấn chấn trước tin vui này. Mọi người dân Bangladesh và tất cả những người làm việc trong ngành cho vay tín dụng nhỏ trên khắp thế giới đều cảm thấy được khích lệ."

Bà Melissa Carrier thuộc Đại Học Maryland nói cấp các khoản tiền cho vay tín dụng nhỏ đã nới rộng quan niệm về nghiệp vụ kinh doanh.

Bà Carrier nói: "Rõ ràng ngân hàng Grameen đã tạo tính chính đáng cho các chương trình cung cấp các khoản tín dụng nhỏ cho dân làng ở địa phương. Nhờ đó mà giờ đây, ý niệm về nghiệp vụ làm chủ công cuộc kinh doanh đã thay đổi để bao gồm cả những chuyện nhỏ bé mà một người có thể tự đứng ra gầy dựng, như nuôi gia súc, gà vịt, hay đan những chiếc khăn quàng để mưu sinh và nuôi gia đình."

Bà Margaret Okoth có một sạp hàng tại một ngôi chợ ở thành phố Nairobi của Kenya. Bà được hợp tác xã trong làng giúp cho các khoản tiền cho vay nhỏ với lãi xuất thấp.

Bà Okoth nói: " Mới đây hợp tác xã đã tăng mức tín dụng cho nên bây giờ khách hàng có thể mượn đến 80 ngàn shillings tiền Kenya. Nếu mượn được một số tiền lớn như vậy, thì chúng ta sẽ thấy doanh nghiệp của mình phát triển."

Sạp bán hàng của bà Okoth đã bị phá hủy trong làn sóng bạo động diễn ra sau cuộc bầu cử ở Kenya mới đây. Những khoản tiền cho vay nhỏ do hợp tác xã cung cấp đã giúp bà Okoth gầy dựng lại sạp hàng của bà, và cùng lúc, đảm nhiệm vai trò của một người vợ và mẹ của 12 đứa con.

Giờ đây mô hình hoạt động của ngân hàng Grameen đã được các ngân hàng lớn như Ngân Hàng Thế Giới, cổ võ trong các cuộc thảo luận với các nước đang phát triển.

Bà Dahlia Khalifa là một chuyên gia về doanh thương làm việc cho Ban Tài Chánh Quốc Tế thuộc Ngân Hàng Thế Giới. Bà nói phụ nữ tại các nước Châu Phi phải đối mặt với một số khó khăn đặc thù.

Bà Khalifa nói tiếp: "Tại các nước Châu Phi, điều mà chúng tôi thấy xảy ra thường xuyên, và các cuộc nghiên cứu thực hiện tại đây cũng kết luận như thế,, là khi nộp đơn vay tiền kinh doanh, phụ nữ không được cứu xét như các ông."

Tại Ai Cập cũng thế. Bà Hoda Galal Yassa là một trong số các nữ doanh nhân hàng đầu tại Cairo. Bà nói phụ nữ trong thế giới Ả Rập phải đối mặt với những trở ngại lớn lao.

Bà Yassa giải thích thêm: "Nhìn vào một phụ nữ…người ta liên tưởng ngay đến một cô thư ký, một phụ tá tốt, hay có thể phụ nữ này biết nấu ăn và có thể dùng tài nấu nướng để có thể kiếm sống chút đỉnh ù. Tuy nhiên một phụ nữ mà muốn trở thành một nhà doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, chuyện được các ông chấp nhận trong vai trò đó không phải là điều dễ thực hiện."

Bà Yassa là chủ một xưởng làm bột giặt và một số hãng xưởng khác. Bà đã lập nên doanh nghiệp nhờ tiền bạc do thân nhân cung cấp.

Giáo sư Elaine Allen thuộc Trường Babson ở Boston, Hoa Kỳ, cho biết tiếp cận được với nguồn vốn vẫn là trở ngại lớn nhất mà các nhà nữ doanh nghiệp phải khắc phục, đặc biệt tại Châu Phi và Trung Đông.

Giáo Sư Allen nói tiếp: "Vì truyền thống văn hóa, phụ nữ không được tự đi đến các ngân hàng và bàn chuyện làm êăn với các ông. Đó là trở ngại về mặt văn hóa. Chúng ta đã thấy là được cấp các khoản tiền vay nhỏ là một phương cách để giúp những phụ nữ vượt qua được trở ngại đó. Chúng tôi cũng khuyến khích các ngân hàng mướn phụ nữ vào làm việc cho họ."

Theo bà Dahlia Khalifa của Ngân Hàng Thế Giới, thì thái độ kỳ thị nữ giới còn đi xa hơn nữa.

Bà Khalifa nói: "Về mặt pháp lý ở nhiều nơi chúng tôi phát hiện ra rằng đôi khi phụ nữ bị đối xử như thể họ là những trẻ vị thành niên, họ không có quyền tự mình ký hợp đồng làm ăn, không có quyền tự bênh vực trước tòa án."

Tuy vậy, tình hình nói chung đã được cải thiện. Những người có đầu óc kinh doanh, nam cũng như nữ, đều xoay sở để tìm cách mượn vốn làm ăn. Và một số chính quyền đang bắt đầu đề ra những bước hành động nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hoạt động kinh doanh.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG