Tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền có tên là Human Rights Watch
hôm thứ Năm lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi quản chế
về quyền tự do của một nhà sư Phật Giáo mất tích vào ngày được thả khỏi
nhà tù tuần trước.
Bản thông cáo báo chí của Human Rights Watch,
được thông tấn xã Pháp AFP loan tải, cho biết nhà sư Tim Sakhorn, một
nhân vật tích cực tranh đấu cho nhóm người thiểu số Khmer Krom gốc
Kampuchea ở nam bộ Việt Nam, được trả tự do hôm thứ Bảy vừa rồi, nhưng
từ lúc người ta nhìn thấy ông lần chót với các viên chức Việt Nam,
không ai biết ông hiện ở đâu.
Ông Brad Adams, giám đốc đặc
trách vùng Á Châu thuộc tổ chức tranh đấu cho nhân quyền vừa kể có trụ
sở chính tại New York, nói rằng dù việc trả tự do cho nhà sư Tim
Sakhorn là một việc làm đáng hoan nghênh, song việc giam giữ ông - một
nhân vật tranh đấu bằng đường lối ôn hòa và một người bảo vệ nhân quyền
– đáng lẽ không nên để xảy ra ngay từ phút đầu.
Tổ chức Human
Rights Watch tỏ ý lo ngại là nhà sư Sakhorn có thể đang bị quản chế tại
gia và dưới sự canh chừng của cảnh sát, giống như trường hợp của các
nhà sư bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam. Năm nay 40 tuổi, nhà sư
Sakhorn, chào đời tại Việt Nam, đã sống bên Kampuchea từ năm 1978 khi
gia đình ông chạy trốn cuộc chiến tranh biên giới giữa lực lượng Khờ Me
Đỏ và Việt Nam và trở thành một công dân Kampuchia để rồi cách đây 17
năm, trở thành một nhà sư.
Ông đã cho những người thuộc sắc
tộc Khmer Krom bỏ trốn khỏi Việt Nam đi tìm tự do tá túc tại ngôi chùa
của ông và ông là thành viên của tổ chức có tên là Hiệp Hội Người
Kampuchia thuộc Sắc Tộc Khmer Krom, trụ sở đặt tại Hoa Kỳ, tranh đấu
cho quyền tự do tôn giáo và quyền sở hữu ruộng đất của nhưng người
thuộc sắc tộc này.
Tháng 2 năm 2007, các nhà sư và nông dân
Kampuchea đã ầm ĩ chống đối chuyến viếng thăm Kampuchea của Chủ Tịch
nước Nguyễn Minh Triết với lý do là chính quyền Hà Nội đàn áp người sắc
tộc Kampuchea thiểu số trong vùng đồng bằng Cửu Long.
Vùng
này, nơi cư ngụ của khoảng 10 triệu Việt gố Kampuchea, đã bị
biến thành một phần lãnh thổ của Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, nhưng
vẫn còn là một đầu mối gây căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và những
người Kampuchea có đầu óc dân tộc muốn phần đất này được trao trả lại
cho Kampuchea.
Ngày 30 tháng 6 năm ngoái, chính quyền
Kampuchea buộc ông Sakhorn phải bỏ áo tu hành về tội gây phương hại tới
tình đoàn kết giữa Kampuchea và Việt Nam, bắt giữ rồi trục xuất ông về
Việt Nam.
Tổ chức Human Rights Watch cho hay Việt Nam đã bắt
giam ông Sakhorn hồi tháng 11 về tội gây phương hại tới tình đoàn kết
dân tộc. Ông được trả tự do hôm 28 tháng 6, bắt mặc đồ dân sự và được
hộ tống về nơi ông chào đời trong tỉnh An Giang. Tin nói rằng chính
quyền địa phương đã cấp phát nhà và ruộng đất cho ông, có lẽ để mua
chuộc ông ở lại Việt Nam. Tuy nhiên, theo dân làng, vài tiếng đồng hồ
sau đó, nhân viên nhà nước lại hộ tống ông ra khỏi làng.
Theo
tổ chức tranh đấu cho nhân quyền Human Right Watch, có tin nói là ông
bị đưa lên Thành Phố Hồ Chí Minh. Ông Brad Adams, giám đốc đặc trách
vùng Á Châu của Human Rights Watch, nói rằng chính phủ Việt Nam phải để
ông Sakhorn được quyền tự do đi lại, tự do gặp gỡ riêng tư bạn bè và
gia đình, và chính phủ Kampuchea phải công khai xác định rằng ông được
tự do quay trở về Kampuchea, nơi ông là một công dân.
Theo bản
thông cáo báo chí của Human Rights Watch, thái độ chống đối Việt Nam
vân còn mạnh tại Kampuchea, và thái độ này được hun đúc thêm vì lòng
oán hận những vụ mở rộng lãnh thổ của Việt Nam trong quá khứ và vụ Việt
Nam đổ quân sang Kampuchea năm 1978, lật đổ chế độ Khờ Me Đỏ của Pol
Pot và mở đầu cuộc chiếm đóng kéo dài một thập niên.