Đường dẫn truy cập

Chính trị trên đảo Triều Tiên gây trở ngại việc giúp đỡ dân miền Bắc


Các cơ quan quốc tế và các nhóm bênh vực quyền con người cảnh giác rằng Bắc Triều Tiên đang trên bờ một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất, tính từ 1 thập niên qua. Tuy nhiên, những thay đổi chính trị trên bán đảo Triều Tiên đã gây thêm phức tạp cho khả năng của Nam Triều Tiên trong việc giúp đỡ người dân miền Bắc. Thông tín viên Kurt Achin tường trình từ Hán Thành về vấn đề này như sau.

Đó là những hình ảnh mà không ai muốn thấy tái diễn. Ước lượng có đến hàng trăm ngàn người Bắc Triều Tiên đã chết vì đói vào giữa thập niên 1990, vì hệ quả của chính sách tự cô lập kinh tế của Bình Nhưỡng và vì khả năng quản trị kém cỏi. Giờ đây, năm 2008, người dân Bắc Triều Tiên một lần nữa lại phải đối diện với khả năng xảy ra nạn đói sau những thiệt hại đối với ngành nông nghiệp vì các trận lụt lội nghiêm trọng hồi năm ngoái.

Bắc Triều Tiên hoan nghênh kế hoạch của Washington gửi 500,000 tấn lương thực khẩn cấp cho Bắc Triều Tiên qua trung gian Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc. Mặc dù vậy, Chương trình Lương thực Thế giới vẫn khuyến cáo rằng thảm họa càng lúc càng đến gần hơn đối với người dân miền Bắc.

Trong những năm qua, Bộ Thống nhất Triều Tiên của chính phủ Nam Triều Tiên luôn luôn là cơ quan đầu tiên loan báo những chương trình quy mô vận chuyển lương thực và phân bón, không kèm theo bất cứ điều kiện gì, xuyên qua vùng biên giới được canh gác hết sức nghiêm ngặt giữa hai miền, để cứu đói miền Bắc.

Thế nhưng năm nay, Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Kim Ho-nyoun, loan báo chính sách đó đã thay đổi.

Ông Ho-nyoun nói: “Chính phủ Nam Triều Tiên xét rằng tình hình hiện nay tại Bình Nhưỡng chưa đủ khẩn cấp để được nhận viện trợ của chính phủ Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu Bắc Triều Tiên đưa ra lời yêu cầu chính thức, chúng tôi sẽ cung cấp lương thực.”

Từ khi lên nhậm chức hồi tháng Hai năm nay, Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak đã cam kết sẽ chấm dứt các viện trợ nhân đạo vô điều kiện cho miền Bắc của các chính phủ tiền nhiệm. Ông nói những khoản viện trợ của Nam Triều Tiên trong tương lai sẽ đi kèm với những điều kiện buộc miền Bắc phải hợp tác trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân, và các vấn đề khác.

Bình Nhưỡng đã phản ứng bằng cách gọi ông Lee là một kẻ phản quốc, đồng thời đe dọa sẽ biến thủ đô Nam Triều Tiên thành một đống tro tàn.

Ông Kim Yong-hyun là một chuyên gia về các vấn đề Bắc Triều Tiên tại Đại Học Dongkuk ở Hán Thành. Giáo Sư Kim nói khó có thể xảy ra chuyện Bình Nhưỡng chìa tay ra để yêu cầu Nam Triều Tiên cung cấp lương thực.

Ông Young-hyun nói: “Viện trợ lương thực đôi khi trở thành một cuộc đấu trí giữa miền Nam và miền Bắc. Bình Nhưỡng lo sợ rằng nếu họ yêu cầu miền Nam giúp đỡ, thì chẳng khác nào là họ phải cúi đầu xin miền Nam.”

Trong 10 năm qua, Nam Triều Tiên đã gửi hàng tỉ đôla tiền lương thực, phân bón và đầu tư vào cấu trúc hạ tầng ở miền Bắc. Tất cả các hành động đó đã không ngăn cản Bình Nhưỡng cho thử nghiệm một vũ khí hạt nhân hồi năm 2006.

Ông Jeong Kwang-min, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh Quốc gia ở Hán Thành, nói người Nam Triều Tiên nay đòi hỏi một cuộc đối thoại hai chiều với miền Bắc.

Ông Kwang-min nói: ”Nam Triều Tiên đã nhận biết bao nhiêu lời đe dọa sẽ bị tấn công quân sự, và những lời phỉ báng từ miền Bắc cùng lúc mà Hán Thành đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho miền Bắc. Giờ đây, mặc dù miền Bắc biết họ đang trong tình trạng ngặt nghèo, họ vẫn không yêu cầu được miền Nam giúp đỡ bởi vì họ không muốn mất tư thế chính trị trong quan hệ giữa hai miền.”

Chính phủ của Tổng Thống Lee Myung-bak giờ đây đang bị kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan về mặt chính sách. Các giới chức Nam Triều Tiên muốn tỏ ra nhất quán với lập trường cứng rắn hơn của họ đối với miền Bắc, thế nhưng cùng lúc, họ không muốn bị coi là khoanh tay không làm gì cả trong khi thảm họa đói đang ngày càng đến gần .

Vì vậy, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nam Triều Tiên, ông Yu Myung-hwan, mới đây tuyên bố Nam Triều Tiên muốn thảo luận trực tiếp với miền Bắc về vấn đề lương thực. Cùng lúc, ông tỏ dấu hiệu cho thấy là chính sách của Nam Triều Tiên hiện nay, đòi Bắc Triều Tiên chính thức yêu cầu để được viện trợ lương thực, có thể được nới lỏng.

Ngoại Trường Yu nói: “Nếu tình trạng khan hiếm lương thực trở nên nghiêm trọng, hoặc nếu thiên tai xảy ra, Nam Triều Tiên có thể cung cấp lương thực cho miền Bắc mà không cần có lời yêu cầu của Bắc Triều Tiên.”

Nhưng ngay cả nếu viện trợ của Nam Triều Tiên tái tục vào ngày mai đi nữa, các chuyên gia nói rằng đã quá trễ để có thể dùng phân bón cho các vụ trồng trọt năm sau, và điều đó có nghĩa là miền Bắc sẽ phải gánh chịu thêm một vụ mùa thất thu nữa trong năm tới.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG