Đường dẫn truy cập

Hai nhà báo Việt Nam bị bắt, 3 nhà tranh đấu dân chủ bị đưa ra tòa


Hai nhà báo Việt Nam dẫn đầu loạt bài chỉ trích một vụ tai tiếng tham nhũng lớn tại nước cộng sản này đã bị bắt giữ, giữa lúc 3 người tích cực tranh đấu cho dân chủ, trong có một người mang quốc tịch Mỹ, bị đưa ra tòa xử hôm thứ Ba và đã được tòa dành cho những bản án nhẹ.

Các Thông Tấn Xã AFP của Pháp, AP của Mỹ và Top News của Ấn Độ cho hay nhà báo Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ và nhà báo Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên đã bị cơ quan an ninh thuộc Bộ Công An khởi tố và bắt tạm giam chiều hôm 12 tháng 5.

Thanh Niên và Tuổi Trẻ là hai trong số những cơ quan truyền thông có nhiều bài vở và tin tức nhất về vụ tai tiếng vừa kể, khi vụ này bị phanh phui. Theo AFP, một vài nhật báo trong nước hôm thứ Ba loan tin là sau khi bị bắt hôm thứ Hai, hai nhà báo này sẽ bị giam trong 4 tháng.

Tin của báo Tuổi Trẻ trên mạng cho biết vào lúc 14 giờ ngày 12 tháng 5, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã có mặt tại trụ sở cơ quan an ninh điều tra theo yêu cầu của cơ quan công an. Tại đây, các điều tra viên đã quyết định tống đạt văn kiện khởi tố bị can và đưa hai nhà báo về nhà riêng và trụ sở văn phòng đại diện để khám xét.

Trong năm 2006, hai ông Hải và Chiến đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phanh phui vụ tai tiếng PMU-18, dính dáng tới một Cục thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải đặc trách việc xây cất các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường xá và cầu cống.

Trong cuộc điều tra vào lúc đó, cảnh sát nghi ngờ rằng số tiền hàng triệu đô la biển thủ từ Cục vừa kể, phần lớn do Nhật Bản và Ngân Hàng Thế Giới tài trợ, đã được dùng để cá độ những trận bóng đá quốc tế.

Vụ tai tiếng này xảy ra buổi chiều trước ngày Đại Hội Đảng Công Sản cầm quyền kỳ thứ 10 khai diễn, và dù bị nhà nước kiểm soát phần lớn, các cơ quan truyền thông Việt Nam đã có nhiều bài tường thuật về vụ này.

Tuy nhiên, những bài báo mạnh dạn một cách bất thường của hai nhà báo Hải và Chiến đã khiến thủ tướng lúc đó là ông Phan Văn Khải quan tâm, và ông Khải đã kêu gọi trừng phạt những ai loan tin thất thiệt về vụ tai tiếng này.

Vụ bắt giữ hai nhà báo Hải và Chiến đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ trong các bài xã luận của hai nhật báo hai ông cộng tác. Tờ Thanh Niên nêu câu hỏi rằng có tới hơn 1,000 bài báo viết về vụ PMU18 đăng tải trên gần 100 nhật báo trong nước, tại sao chỉ có hai nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt, và theo tờ Thanh Niên, đây là những câu hỏi mà nhà nước phải trả lời.

Tờ Tuổi Trẻ thì nói rằng phóng viên của họ đã phải trả một cái giá cho những tin tức liên quan tới vụ PMU18, một vụ chưa kết thúc nhưng đang diễn ra một cách kỳ lạ.

Thông Tấn Xã Top News của Ấn Độ cho biết ông Bùi Ngọc Soi, Cục Trưởng Cục Điều Tra của Bộ Công An, xác nhận vụ bắt giữ hai nhà báo Hải và Chiến, nhưng nói rằng không thể tiết lộ thêm một điều gì khác trong lúc cuộc điều tra đang diễn tiến.

Cảnh sát khởi tố hai nhà báo này về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thâu thập tin tức về vụ PMU18. Theo tờ Tiền Phong, cảnh sát cho rằng hai nhà báo này đã loan tải những tin thất thiệt, tạo dư luận tiêu cực nơi quần chúng. Vụ tai tiếng PMU18 đã khiến Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Đào Đình Bình từ chức và Thứ Trưởng Nguyễn Việt Tiến bị bắt giữ năm 2006.

Ông Nguyễn Việt Tiến được trả tự do tháng 10 vừa rồi và được phục hồi chức vụ trong đảng Cộng Sản tuần trước sau khi Tòa Án Nhân Dân Tối Cao quyết định hủy bỏ cuộc điều tra về chuyện ông dính dáng vào vụ tai tiếng. 8 cựu viên chức trong Bộ này năm ngoái đã bị kết án tù, có người bị án tới 13 năm, trong có ông Bùi Tiến Dũng là người cầm đầu PMU18. Tuy nhiên những người này bị kết về tội cá độ bất hợp pháp và hối lộ để che đậy hành động của mình.

Thông Tấn Xã Top News trích tin của báo Tiền Phong nói rằng hôm thứ Hai cảnh sát còn bắt giữ ông Đinh Văn Huynh, một viên chức cấp cao của Cục Điều Tra Tội Ác Xã Hội, có trách vụ điều tra vụ PMU18. Cũng tờ Tiền Phong cho biết hàng chục nhà báo viết về vụ PMU cũng đã bị cảnh sát thẩm vấn về chuyện thâu thập tin tức liên quan tới vụ này.

Tin AFP cho hay vụ bắt giữ hai nhà báo diễn ra vào lúc 3 nhân vật tích cực tranh đấu cho dân chủ - trong có 1 người mang quốc tịch Mỹ - bị đưa ra tòa xử hôm thứ Ba về tội khủng bố.

Thông Tín Viên AFP chứng kiến lời tòa buộc ông Nguyễn Quốc Quân, công dân Mỹ, và hai công dân Việt là Nguyễn Thế Vũ và Nguyễn Hai về tội khích động rối loạn, đe dọa nền an ninh quốc gia.

Theo báo chí nhà nước, ba người này, tất cả bị tố cáo là thành viên của đảng Việt Tân, bị bắt giữ hồi tháng 11 vừa rồi sau khi tới Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên đảng Việt Tân, trụ sở đặt tại tiểu bang California ở Hoa Kỳ, đã ra một thông cáo báo chí, nói rằng đảng chủ trương đấu tranh bất bạo động nhằm tạo điều kiện để dân chủ hóa Việt Nam và canh tân đất nước. Đảng Việt Tân cũng phủ nhận mọi vu khống, gán ghép, cáo buộc của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Theo AFP, khoảng 100 cảnh sát đã được đưa tới bố trí quanh tòa án ở Thành Phố Hồ Chí Minh và báo chí nước ngoài được phép theo dõi phiên xử qua hệ thống truyền hình nội bộ. Tin của Thông Tấn Xã Đức DPA cho biết tòa đã tuyên phạt ông Nguyễn Quốc Quân, quốc tịch Mỹ, 6 tháng tù, theo đó, kể thời gian ông đã bị giam giữ và coi như thọ đủ án, ông sẽ bị trục xuất trong 4 ngày tới.

Ông Nguyễn Thế Vũ bị kết án đúng với thời gian bị giam giữ và được trả tự do, nhưng bị hạn chế di chuyển trong một năm, trong đó ông phải xin phép cảnh sát mỗi khi muốn đi ra khỏi vùng sinh sống. Ông Nguyễn Hai bị kết án 9 tháng tù và 3 năm hạn chế di chuyển.

Đề cập tới phiên xử này, nhật báo Wall Street Journal, ấn bản Á Châu, có bài xã luận cho rằng ba người này thế nào cũng bị kết án. Theo báo này, ông Nguyễn Quốc Quân có thể bị án tù theo thời gian ông đã bị giam giữ và rồi được trục xuất về Mỹ.

Trước đây Hà Nội cũng đã thầm lặng trả tự do mà không đưa ra xét xử cho 3 người khác cùng bị bắt một lượt với những người vừa kể và trục xuất hai người có quốc tịch nước ngoài trong số 3 người này là ông Leon Truong, quốc tịch Mỹ, và bà Nguyễn Thị Thanh Vân, quốc tịch Pháp.

Tờ Wall Street Journal không coi đây là thái độ nhẹ tay của Việt Nam, vì theo báo này, vẫn còn hơn 400 người bị giam giữ tại Việt Nam chỉ vì tham dự vào những hoạt đông ôn hòa về chính trị hay tôn giáo.

Vẫn theo báo Wall Street Journal, các quan sát viên cũng chú ý tới sự kiện các vụ này đã được Việt Nam đưa ra xét xử mau lẹ hơn thường lệ, rất có thể vì Hà Nội muốn giải quyết mọi chuyện trước khi cuộc đối thoại sắp tới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, có thể diễn ra trong tháng này.

Tờ Wall Street Journal cho rằng sự kiện này cũng là một dấu hiệu cho thấy dù đảng Cộng Sản muốn tiếp tục nắm quyền trong nước, Việt Nam cũng phải chịu áp lực của quốc tế. Bài xã luận kết luận rằng đó cũng là lý do để tiếp tục tạo áp lực ngay cả sau khi những vụ vừa kể được xét xử xong.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG