Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ  tăng cứu trợ cho Miến Ðiện


Hoa Kỳ đã giao chuyến hàng cứu trợ đầu tiên giúp nạn nhân bão lúc Nagis ở Miến Điện, và loan báo tăng ngân khoản cứu trợ lên trên 16 triệu đô la. Một máy bay vận tải C 130 của Không lực Hoa Kỳ đã đáp xuống Rangoon, thành phố chính của Miến Điện, trong sự hy vọng của Washington rằng đây sẽ là chuyến cứu trợ mở đầu cho một nỗ lực lớn hơn giúp các nạn nhân bão. Chính phủ Miến Điện nói rằng trên 28 ngàn 400 người được xác nhận là đã chết và trên 33 ngàn người khác nằm trong danh sách mất tích. Sau đây là tường thuật của Thông tín viên đài VOA Luis Ramirez về vấn đề này.

Chiếc máy bay vận tải C 130 của Không lực Hoa Kỳ cất cánh từ một căn cứ không quân của Thái Lan trong thành phố Utapao, chở theo nước đóng chai, mùng và mền. Ðây là những vật phẫm cứu trợ đầu tiên chính phủ quân nhân Miến Điện cho phép Hoa Kỳ được chở đến để giúp nạn nhân bão.

Chính phủ Miến Điện không muốn nhận bất cứ viện trợ nào của Hoa Kỳ, dù là đang có hàng ngàn, và có lẽ là hàng triệu người đứng trước nguy cơ bị đói khát và bệnh tật sau trận bão. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng việc Miến Điện nhận chuyến hàng đầu tiên này là một bước quan trọng trong việc thuyết phục quốc gia này bắt đầu nhận thêm viện trợ cho những người sống sót sau thiên tai đang tuyệt vọng ngóng chờ.

Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ trong vùng Thái bình dương, Đô đốc Timothy Keating đã đi trên chuyến bay chở hàng cứu trợ đầu tiên này, và ông đã gặp các quan chức Miến Điện ở Rangoon hôm thứ hai. Khi trở lại thủ đô Bangkok, ông nói với phóng viên báo chí biết là ông đã đề nghị để quân đội Hoa Kỳ chính thức giúp đỡ các nạn nhân. Ông nói rằng hiện có 4 ngàn binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ đang có mặt trong vùng, cùng với một đội máy bay vận tải C 130 và trực thăng tham gia cuộc thao dợt quân sự chung với Thái Lan, sẵn sàng trong việc tiếp tay giúp đỡ các nạn nhân bão.

Đô đốc Keating nói: “Lực lượng đang có mặt ở Thái Lan này sẵn sàng bắt tay ngay vào việc khi Miến Điện cho phép. Chúng tôi có 3 chiếc tàu đang chạy về hướng tây nam duyên hải của Miến Điện trong hải phận quốc tế rất gần bờ biển Miến Điện, và có thể có mặt từ 36 đến 48 tiếng đồng hồ. Như vậy chúng tôi có đội ngũ nhân viên đông đảo cùng với nhiều thiết bị, và chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào việc ngay khi Miến Điện cho phép chúng tôi. Hôm nay chúng tôi vẫn chưa được cho phép làm công việc này.”

Các quan chức Mỹ nhận định là các cuộc gặp gỡ với các Phó Bộ trưởng và các quan chức khác của Miến Điện diễn ra trong sự thân mật, tuy nhiên họ nói rằng Miến Điện không nhân nhượng bao nhiêu. Bà Henrietta Fore, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID, cũng tháp tùng trong chuyến bay chở hàng cứu trợ hôm thứ hai nhận đinh rằng đã có tiến bộ.

Bà Fore nói: “Chúng tôi rời thành phố Utapao với hy vọng có thể tạo được cơ sở cho một nỗ lực trợ giúp rộng rãi hơn của Hoa Kỳ và tôi tin rằng các cuộc thảo luận của chúng tôi là bước đầu tốt đẹp. Đây chỉ là bước khởi đầu, cần phải có thời gian.”

Bà Fore loan báo rằng Hoa Kỳ tăng số tiền đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ ở Miến Điện từ 3 triệu 2 trăm ngàn đô la lên trên 16 triệu đô la. Bà nói rằng ngân khoản 13 triêu đô la bổ sung sẽ đóng góp cho Chương trình Lương thực Liên hiệp quốc để cứu đói ở Miến Điện.

Loan báo được đưa ra khi các quan chức của tổ chức Liên Hiệp Quốc này nói rằng họ chỉ có thể đáp ứng được 20% nhu cầu của những người sống sót sau thiên tai đang bị đói. Đồng thời, hôm thứ hai, Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc cho biết giá gạo đã tăng 50% trên thị trường Miến Điện sau khi bão xảy ra.

Các cơ quan cứu trợ quốc tế đang tiếp tục yêu cầu chính phủ Miến Điện cấp thị thực cho nhân viên cứu trợ và cho phép thêm viện trợ được đưa đến nước này. Các cơ quan này cảnh báo rằng điều kiện vệ sinh đang ngày một tệ hơn và tình trạng lây lan bệnh có thể gây thiệt mạng cho hàng triệu người, nhất là theo dự báo thời tiết trong tuần này mưa lớn sẽ đổ xuống các vùng đồng bằng Irawaddy, nơi đã bị ảnh hưởng nặng trong trận bão lốc vừa qua.

Chính phủ quân nhân tự cô lập của Miến Điện đã nhận một số lượng nhỏ hàng viện trợ, nhưng không muốn cho một số đông nhân viên cứu trợ của các nước phương Tây vào nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG