Đồng yen mạnh và thị trường xe hơi chậm chạp ở Hoa Kỳ bị cho là đã gây ra sự sụt giảm lợi nhuận của hãng chế tạo xe hơi Toyota trong quý 1, và ngân hàng Maybank của Malaysia sẽ mua một cổ phần trong một cơ quan cho vay tiền của Pakistan. Phái viên Claudia Blume ghi nhận chi tiết về việc này cùng các tin tức kinh tế khác trong bài tóm lược tin kinh tế Á châu hàng tuần.
Hãng xe hơi Toyota của Nhật bản ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận ròng trong quý 1 là 28 phần trăm, nhiều hơn so với dự kiến.
Lợi nhuận từ tháng giêng tới tháng ba là 3 tỉ dô la, giảm xuống từ mức 4, 2 tỉ vào cùng kỳ năm ngoái.
Sự giảm sút lợi nhuận này chủ yếu do đồng yen mạnh hơn, số xe bán tại Mỹ yếu, và giá cả mọi mặt hàng tăng vọt.
Chủ tịch công ty Toyota là ông Katsuaki Watanabe cảnh báo rằng vì những điều kiện không thuận lợi, hãng Toyota sẽ trông thấy tiền lời năm nay giảm sút, chấm dứt một giai đoạn kéo dài 7 năm với những kết quả vượt mức.
Ông Watnabe nói: “Chúng ta phải đương đầu với một hoàn cảnh khắc nghiệt. Nhưng hãng Toyota coi đây là một cơ hội quí giá để biến hãng Toyota thành một công ty mạnh hơn và uyển chuyển hơn.”
Một trong các công ty cho vay tiền hàng đầu của Malaysia là ngân hàng Maybank sẽ mua tới 20 phần trăm cổ phần của ngân hàng MCB của Pakistan.
Maybank sẽ trả gần 690 triệu đôla cho để mua 15% cổ phần trong ngân hàng lớn thứ tư của Pakistan. Maybank có quyền mua thêm 5 phần trăm cổ phần của MCB Bank trong tương lai.
Đầu tư là một phần trong cuộc vận động khuếch trương của ngân hàng Malaysia, gồm cả việc mua lại cổ phần của các ngân hàng Indonesia cũng như của Việt Nam.
Môt tin khác liên quan đến lãnh vực ngân hàng tại Malaysia cho biết quỹ hưu bổng của nước này sẽ bán 25 phần trăm cổ phần của tổ hợp ngân hàng RHB Capital mà quỹ này đang nắm quyền kiểm soát, cho ngân hàng Abu Dhabi Commercial Bank.
Thương vụ này trị giá khoảng 1,2 tỉ đô la.
Việc mua lại cổ phần này sẽ khiến Abu Dhabi Commercial Bank trở nên thành phần nắm số cổ phần đứùng hàng thứ nhì trong tổ hợp RHB Capital.
Việc tăng giá cả thực phẩm cũng như nhiên liệu đã đẩy mức lạm phát lên đến mức cao nhất từ 3 năm nay là 8,3 phần trăm hồi tháng Tư.
Riêng giá gạo đã tăng tới 25 phần trăm so với giá cách đây 1 năm.
Philippines là nước nhập cảng gạo nhiều nhất thế giới và cũng là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì giá cả tăng cao trên thế giới.
Nạn lạm phát cũng là một mối lo âu lớn tại Nam Triều Tiên.
Để cố gắng giảm thiểu việc này, Ngân hàng Bank of Korea đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5 phần trăm trong 9 tháng liên tiếp.
Vì giá thực phẩm cũng như giá nhiên liệu tăng cao, mức lạm phát của Nam Triều Tiên đã lên tới mức cao nhất trong vòng 4 năm là 4,1 % trong tháng Tư.
Thêm vào các mối lo ngại này là đồng Won của Nam Triều Tiên đã sụt hơn 10 phần trăm trị giá trong năm nay. Việc mất giá của đồng Won có nghĩa là các mặt hàng nhập khẩu như dầu thô sẽ đắt hơn.