Đường dẫn truy cập

Bà Rice hối thúc các nước Ả Rập gia tăng quan hệ ngoại giao với Iraq


Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết bà sẽ hối thúc các quốc gia Ả Rập láng giềng của Iraq hãy gia tăng các quan hệ ngoại giao và những quan hệ khác với Baghdad để tạo một lực đối trọng với ảnh hưởng của Iran. Bà Rice sẽ lên đường vào thứ bảy trong chuyến đi đến khu vực vùng Vịnh. Bà cũng sẽ tham dự một hội nghị của các nước láng giềng của Iraq tổ chức tại Kuwait. Thông tín viên David Gollust của đài VOA từ Bộ ngoại giao tường trình như sau.

Hoa Kỳ hoan nghênh sự cam kết đã được các nước đồng minh then chốt trong vùng Vịnh cho công bố, trong số này có Ả Rập Saudi và Bahrain, để thiết lập các đại sứ quán tại Baghdad. Nhưng bà Rice đang cho thấy dấu hiệu mất kiên nhẫn khi chưa thấy nước nào có hành động thực thi lời hứa, và bà đang có ý định hối thúc vấn đề này tại hội nghị tổ chức ở Kuwait.

Trong buổi nói chuyện với báo chí, bà Rice nói rằng điều kiện an ninh tại Iraq đã được cải thiện rất nhiều kể từ khi chính quyền của tổng thống Bush bắt đầu nêu vấn đề thiết lập bang giao giữa các nước Ả Rập với Baghdad nhiều tháng trước.

Bà Rice nói rằng trong lúc các quốc gia Ả Rập không cần phải cam kết ngoại giao với Iraq đến mức độ như Hoa Kỳ để xây một đại sứ quán 700 triệu đô la ở thủ đô Baghdad, nhưng họ nên cho thấy là họ xác nhận và tìm cách phát huy thêm cái bản sắc Ả Rập cho Iraq trước những ảnh hưởng của Iran.

Bà Rice nói: "Iraq cần được hoàn toàn hội nhập trở lại vào thế giới Ả Rập. Theo tôi, nếu làm được như vậy thì Iraq sẽ được tránh bớt được những ảnh hưởng tệ hại của Iran. Iran là một nước láng giềng của Iraq, bề gì thì họ cũng sẽ có ảnh hưởng. Nhưng điều trước tiên và trên hết, Iraq là một quốc gia Ả Rập. Một nước trong đó tinh thần quốc gia rất mạnh, và các nước láng giềng cần phải giúp để củng cố thêm tinh thần đó."

Iran cũng sẽ có đại diện đến tham dự hội nghị cấp bộ trưởng này tại Kuwait mặc dù bà Rice cho biết bà không có ý định tiếp xúc trực tiếp với phái đoàn của Iran.

Bà nói rằng Iran cần phải chấm dứt điều mà bà gọi là 'những hành động hiểm ác' phá hoại chính phủ Iraq, và nói rằng cuối cùng thì sự ổn định và thành công của Iraq đều có lợi cho tất cả mọi nước láng giềng, kể cả Iran.

Bà nói rằng sự nhấn mạnh của các nhân vật cao cấp Hoa Kỳ, trong số này có tư lệnh lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Iraq, Ðại tướng David Petraeus, đến việc Iran can dự vào chiến cuộc tại Iraq không có nghĩa là sự đe dọa từ phía Hồi giáo Sunni tại Iraq đã tan biến. Nhưng bà cho biết sức mạnh của những nhóm như al-Qaida tại Iraq đã bị yếu đi rất nhiều.

Bà Rice nói: "Ðối với việc các phần tử nổi dậy Al-Qaida và Sunni còn tiếp tục hoạt động thì môi trường của họ không còn dễ dàng như trước nữa. Trong tỉnh Anbar, nơi mà họ đặt căn cứ hoạt động, thì các thành phố như Ramadi và Faluja đã bị nhà cầm quyền hợp pháp Iraq kiểm soát hầu hết. Và công cuộc tái thiết những thành phố đó là lý do khiến cho cư dân tiếp tục ủng hộ chính phủ."

Theo lời bà Rice thì nhân dân Iraq đang biến những thành quả về an ninh thành tiến bộ chính trị, và bà gợi ý rằng không một quốc gia nào khác trong khu vực Trung đông lại có thể làm tốt hơn Iraq trong việc hòa giải êm thắm các cộng đồng Sunni và Shia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG