Đường dẫn truy cập

Dự thảo hiến pháp mới đem lại ít hy vọng cho dân chủ ở Miến Điện


Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng dự thảo hiến pháp mới của Miến Điện không mang lại hy vọng gì nhiều cho sự thay đổi thật sự ở quốc gia do quân đội cai trị này. Các nhà phân tích cho rằng văn kiện được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 10 tháng 5 tới đây vẫn dành cho quân đội quá nhiều quyền hành. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington, thông tín viên David Gollust của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.

Trước đây, chính phủ Mỹ đã mạnh mẽ chỉ trích tiến trình soạn thảo hiến pháp của Miến Điện vì phe đối lập hầu như bị gạt bỏ hoàn toàn ra khỏi tiến trình này.

Giờ đây, Bộ ngoại giao ở Washington nói rằng bản sơ thảo hiến pháp mới được công bố hôm thứ tư mang lại rất ít hy vọng cho những ai muốn thấy những sự thay đổi dân chủ ở Miến Điện.

Theo qui định của văn kiện dài gần 200 trang này, một phần tư số ghế đại biểu ở lưỡng viện quốc hội được dành riêng cho các tướng lãnh trong quân đội và viên tư lệnh quân đội được quyền ngưng thực thi hiến pháp bất cứ lúc nào.

Một điều khoản khác trong sơ thảo hiến pháp cấm không cho những ai kết hôn với người ngoại quốc được giữ các chức vụ trong chính quyền. Nhiều người cho rằng điều khoản này rõ ràng là được đặt ra để loại bỏ bà Aung San Suu Kyi ra khỏi chính trường vì bà từng kết hôn với một công dân Anh.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Sean McCormack cho biết: các giới chức ở Washington chỉ mới thực hiện một cuộc phân tích sơ bộ, nhưng bản sơ thảo hiến pháp này khiến người ta có những mối quan tâm sâu sắc.

Ông McCormack nói: "Nhìn sơ qua thì văn kiện này dường như chỉ có mục đích kéo dài vô thời hạn quyền cai trị của tập đoàn tướng lãnh hiện nay ở Miến Điện. Văn kiện này không mang lại một cuộc đối thoại có tính chất cởi mở, nghiêm túc, và lâu bền với các lực lượng đối lập ở Miến Điện. Đó là cuộc đối thoại mà chính phủ Hoa Kỳ cũng như các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế đã kêu gọi thực hiện, và lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi yêu cầu thực hiện. Vì thế cho nên, khi đọc qua bản sơ thảo hiến pháp mà chính quyền định đưa ra trưng cầu dân ý, những người muốn mưu tìm một sự thay đổi dân chủ thật sự ở Miến Điện không thấy có nhiều hy vọng."

Đảng Liên minh Toàn quốc Tranh đấu cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1990, nhưng bị tập đoàn quân nhân không cho lên nắm quyền. Người phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình này đã bị giam giữ trong phần lớn thời gian từ đó đến nay.

Lên tiếng hôm thứ tư tại Tòa Bạch Ốc trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Cao cấp Ngô Tác Đống của Singapore, Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush nói rằng ông cảm thấy thất vọng về việc không có tiến bộ ở Miến Điện. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã kêu gọi chính quyền quân nhân Miến Điện không nên e sợ dân chúng của mình.

Năm 1995, Đảng Liên minh Dân chủ đã rút ra khỏi đại hội toàn quốc, là hội nghị kéo dài 14 năm để soạn thảo hiến pháp, vì những hạn chế khắt khe do tập đoàn tướng lãnh áp đặt, và sau đó họ đã bị đuổi ra khỏi đại hội. Mới đây Liên minh Dân chủ đã chính thức kêu gọi cử tri bác bỏ bản dự thảo hiến pháp khi họ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 10 tháng 5.

Hôm qua, chính quyền quân nhân tố cáo rằng Liên minh Dân chủ nhận chỉ thị từ các sứ quán nước ngoài, mà họ không nói rõ là nước nào, để tìm cách gây bất ổn cho Miến Điện.

Khi được hỏi về tố cáo này, phát ngôn viên Sean McCormack nói rằng đó là một cáo giác vô căn cứ. Ông nói thêm rằng bà Aung San Suu Kyi và những người tranh đấu cho dân chủ ở Miến Điện là những người yêu nước, và họ đã hoạt động trong một thời gian rất lâu trước khi vấn đề Miến Điện được cộng đồng quốc tế chú tâm theo dõi.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG