Đường dẫn truy cập

Phe đối lập tố cáo chính quyền quân sự Miến Ðiện gieo rắc sợ hãi


Phe đối lập Miến Điện và các tổ chức tranh đấu cho dân chủ tố cáo rằng chính quyền quân nhân đang tạo ra một không khí sợ hãi trước cuộc trưng cầu dân ý mà những người chỉ trích nói rằng có mục đích giúp cho quân đội tiếp tục nắm quyền. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á ở Bangkok của đài VOA, thông tín viên Ron Corben có bài tường thuật sau đây.

Phe đối lập Miến Điện, Liên minh Toàn quốc Tranh đấu cho Dân chủ, và các nhà hoạt động cho biết chính quyền quân nhân Miến Điện đang thực hiện một chiến dịch sách nhiễu và hăm dọa để bảo đảm có được sự ủng hộ mạnh mẽ cho bản dự thảo hiến pháp mà quân đội hậu thuẫn.

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 10 tháng 5 về bản dự thảo hiến pháp được công bố hôm thứ tư là một bước tiến trong lộ đồ dân chủ mà chính quyền quân nhân đề ra và mở đường cho việc tổ chức bầu cử quốc hội vào năm 2010.

Tuy nhiên, trong thông cáo phổ biến hôm nay, Liên minh Dân chủ nói rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ không công bằng và tự do vì những qui định và luật lệ có lợi cho quân đội. Liên minh Dân chủ cho biết trong lúc quân đội được vận động công khai và không bị hạn chế, thì đảng đối lập này và các nhân vật tranh đấu cho dân chủ lại bị cấm không được làm như vậy.

Liên minh Dân chủ, do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, nói rằng đảng viên của họ đã phải đối diện với những mối đe dọa bị han2h hung. Liên minh Dân chủ cũng kêu gọi cử tri bác bỏ dự thảo hiến pháp vì văn kiện này do quân đội soạn thảo mà không thu thập ý kiến nào từ phe đối lập.

Bà Debie Stordt là phát ngôn viên của Mạng lưới ASEAN Thay thế về Miến Điện. Bà nói rằng quân đội đang lợi dụng cuộc trưng cầu dân ý để tiếp tục duy trì quyền lực.

Bà Stohardt nói: "Chúng tôi nhận thấy có một vụ đàn áp dữ dội đang diễn ra để đoan chắc là không ai bỏ phiếu "chống" trong cuộc trưng cầu dân ý. Chúng tôi nhận thấy chính quyền quân nhân đang chuẩn bị cho việc nắm quyền cai trị cho tới muôn đời."

Dự thảo hiến pháp sẽ có hiệu lực nếu có sự chấp thuận của hơn phân nửa tổng số cử tri hợp lệ. Văn kiện này cũng dành riêng 25% số ghế đại biểu ở lưỡng viện quốc hội cho phe quân đội.

Bản sơ thảo hiến pháp còn có một điều khoản cấm chỉ sự tham dự của những người được hưởng các quyền lợi và đặc quyền của công dân nước ngoài. Nhiều người tin rằng lệnh cấm này được đặt ra để nhắm vào lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, là người từng kết hôn với một công dân Anh.

Bà Aung San Suu Kyi vẫn còn bị quản thúc tại gia ở Rangoon.

Bà Stohardt cho biết: mặc dù có những mưu toan của chính quyền để hăm dọa dân chúng, nhưng nhiều người Miến Điện đang tích cực vận động chống lại hiến pháp mới.

Bà Stohardt nói: "Chắc chắn là chế độ này sẽ tìm cách siết chặt thêm nữa, đặc biệt là sau khi nhiều cộng đồng ở Miến Điện thực sự xúc tiến chiến dịch vận động bỏ phiếu chống. Những nhân vật tranh đấu cho dân chủ đang mặc áo thun in chữ 'No' và phân phát truyền đơn trong dân chúng."

Đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Miến Điện, ông Ibrahim Gambari đã đề nghị phái quan sát viên quốc tế đến theo dõi cuộc đầu phiếu, nhưng đề nghị này đã bị chính quyền Miến Điện bác bỏ vì họ cho rằng làm như thế là xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Theo dự liệu, cuộc trưng cầu dân ý sẽ được cộng đồng quốc tế chú tâm theo dõi trong lúc các nước gây sức ép đòi Miến Điện tienhh cải cách chính trị sau khi xảy ra vụ đàn áp đẫm máu những người biểu tình đòi dân chủ hồi tháng 9 năm ngoái. Liên hiệp quốc ước tính rằng hơn 30 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt trong vụ đàn áp này.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG