Đường dẫn truy cập

Các nhà làm luật Mỹ lên án hành động đàn áp của TQ ở Tây Tạng


Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết lưỡng đảng, lên án việc Trung Quốc đàn áp tại Tây Tạng và khuyến nghị Bắc Kinh hãy mở đối thoại có thực chất với đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng. Nghị quyết được thông qua với 413 phiếu thuận và một phiếu chống. Từ trụ sở quốc hội, Thông tín viên Dan Robinson gửi về bài tường trình sau đây.

Được chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bảo trợ, bản nghị quyết với lời lẽ rất mạnh mẽ đòi Trung Quốc chấm dứt các hành động đàn áp những người Tây Tạng biểu tình phản đối và việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp văn hóa, tôn giáo, kinh tế, ngôn ngữ bên trong khu vực Tây Tạng.

Nghị quyết tiếp tục khuyến nghị giới lãnh đạo Trung Quốc mở một cuộc đối thoại trực tiếp với đức Đạt Lai Lạt Ma, nhắm đạt được kết quả mà không đặt điều kiện tiên quyết, để giải quyết những bất bình chính đáng, hầu đạt được một giải pháp lâu dài cho tình hình Tây Tạng.

Nghị quyết cũng đòi trả tự do ngay lập tức cho những người Tây Tạng đang bị giam cầm chỉ vì đã bày tỏ quan điểm chống đối một cách ôn hòa đối với các chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng, và khuyến nghị Bắc Kinh cho phép các ký giả và quan sát viên quốc tế độc lập được tự do đến Tây Tạng và những khu vực khác tại Trung Quốc.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã nói trước hạ viện vào chiều thứ ba để ủng hộ cho nghị quyết này.

Bà Pelosi nói: "Nếu như chúng ta và những người yêu chuộng tự do trên thế giới không đứng lên ủng hộ cho nhân quyền tại Trung Quốc và Tây Tạng thì chúng ta sẽ mất tất cả uy tín trong lãnh vực đạo đức để mà nói về nhân quyền tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới."

Chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích bà Pelosi, rằng bà đã không đếm xỉa đến tình trạng bạo động do những người nổi loạn tại Tây Tạng và nhiều nơi khác gây nên.

Mặc dù bà là một người lớn tiếng ủng hộ cho những người Tây Tạng biểu tình, bà Pelosi không đi xa tới chỗ tuyên bố ủng hộ việc Hoa Kỳ tẩy chay Olympic mùa hè tại Bắc Kinh. Tuy nhiên theo bà, Hoa Kỳ, kể cả tổng thống Bush, cần phải xét đến chọn lựa không tham dự các buổi lễ khai mạc đại hội thể thao này.

Trong những tuần lễ gần đây, một dân biểu then chốt của đảng Cộng Hòa, ông Frank Wolf, có nói rằng ông sẽ đề nghị những dự luật để ngăn chặn bất cứ giới chức chính phủ nào của Hoa Kỳ tham dự những nghi lễ tại Thế Vận Hội Bắc Kinh.

Dân biểu Cộng Hòa đại diện bang Wisconsin, ông James Sensenbrenner, là đồng tác giả nghị quyết, đưa ý kiến.

Ông Sensenbrenner nói: "Chúng ta, công dân Hoa Kỳ, vừa buồn rầu vừa phẫn nộ trước hành động đàn áp của Trung Quốc nhắm vào những vụ phản đối ôn hòa tại Tây Tạng. Hạ viện cần phải minh định rõ lập trường ủng hộ cho những quyền căn bản của con người.

Dân biểu Ileana Ros Lehtinen là dân biểu Cộng Hòa, đại diện bang Florida, phát biểu: "Việc Trung Quốc tiếp tục đàn áp và khước từ nhân quyền của người dân sẽ trở thành trọng tâm của sự chú ý của quốc tế tại thế vận hội mùa hè năm nay ở Bắc Kinh."

Mặc dù không đề cập đến thế vận hội Olympic, bản nghị quyết đòi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố một thông cáo xét lại quyết định không bao gồm Trung Quốc vào danh sách những quốc gia vi phạm nhân quyền có hệ thống trầm trọng nhất trong phúc trình về Nhân Quyền năm 2007.

Nghị quyết cũng hối thúc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực thi đạo luật năm 2002 có tên là luật về chính sách liên quan đến Tây Tạng, để theo dõi những diễn biến về văn hóa, chính trị và kinh tế tại Tây Tạng.

Các nhà làm luật hạ viện sẽ biểu quyết về bản nghị quyết cho Tây Tạng vào hôm nay, thứ tư, giờ miền đông Hoa Kỳ. Những dự luật khác về Tây Tạng và nhân quyền tại Trung Quốc còn đang chờ đợi để được được cứu xét.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG