Đường dẫn truy cập

Cấm vận - Hiệu quả hay không?


Lâu nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế, như cắt đứt quan hệ tài chính hoặc quan hệ thương mại, để buộc chính phủ các nước khác từ bỏ những hành vi bị xem là bất hảo. Nhưng những người chỉ trích nói rằng việc trừng phạt thường chỉ gây thiệt hại cho người dân bình thường mà không giúp đạt được những mục tiêu mong muốn về mặt chính sách đối ngoại. Tường trình từ thủ đô Washington, Thông tín viên Leta Hong Fincher của đài VOA đề cập đến việc áp dụng các biện pháp chế tài có mục tiêu cụ thể hơn trong những năm gần đây.

Khi chính phủ quân sự Miến Điện sử dụng bạo lực để thẳng tay đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ hồi tháng 9 năm ngoái, thì những biện pháp trừng phạt về kinh tế do chính phủ Hoa Kỳ áp dụng chống nước này đã kéo dài được 10 năm.

Trong tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ đã cho áp dụng thêm những biện pháp trừng phạt mới, lần này nhắm vào những doanh nghiệp và cá nhân cụ thể có quan hệ với những người cầm quyền thuộc giới quân sự Miến Điện.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc, bà Dana Perino nói: "Chúng tôi biết việc trừng phạt có thể có tác động. Những biện pháp trừng phạt góp phần hạn chế các hoạt động kinh tế và có thể cô lập hóa tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện nhiều hơn nữa. Điều này là một phần của nỗ lực nhằm buộc họ phải hiểu rằng họ cần phải có chính sách cởi mở hơn."

Cộng đồng quốc tế đã dùng biện pháp trừng phạt kinh tế trong nhiều thập niên nhằm gây áp lực buộc các nước phải thay đổi điều bị xem là những hành vi không thể chấp nhận được.

Đôi khi những biện pháp trừng phạt này được đánh giá như một thành công to lớn. Thí dụ, tại Nam Phi, những biện pháp trừng phạt của quốc tế được dư luận rộng rãi ghi nhận là đã góp phần chấm dứt chính sách a-pác-thai.

Trong một số trường hợp khác, chúng tỏ ra ít hiệu quả hơn. Thí dụ, những biện pháp chế tài của Hoa Kỳ chống chính phủ Cuba đã được áp dụng trên 40 năm, nhưng chúng không giúp ích gì nhiều trong việc làm suy yếu quyền lực của cựu chủ tịch Fidel Castro.

Những người chỉ trích lập luận rằng việc trừng phạt gây thiệt hại cho người dân bình thường nhiều hơn là cho những người lãnh đạo của một nước nào đó.

Ông Ted Galen Carpenter là chủ nhiệm ban nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato ở thủ đô Washington. Ông nói rằng những biện pháp trừng phạt của LHQ tại Iraq trước dây đã gây ra nhiều thống khổ cho dân chúng về mặt nhân đạo.

Ông Carpenter nói: "Đã có nhiều ước tính khác nhau về mức độ tổn thương mà những biện pháp trừng phạt đó đã gây ra cho trẻ em Iraq trong thập kỷ 1990 và cho đến tận ngày Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq và chiếm đóng nước đó hồi năm 2003, cũng như có nhiều ước tính khác nhau về mức gia tăng trong tỷ lệ tử vong của trẻ em do hậu quả của việc trừng phạt đó. Theo những ước tính này thì đã có khoảng từ 100,000 đến 500,000 trẻ em bị thiệt mạng một cách oan uổng. Nhưng bất kể là có bao nhiêu trẻ em đã chết, đó vẫn là một tổng số cực kỳ to lớn những nạn nhân hoàn toàn vô tội."

Một số chuyên gia về chính sách quan hệ đối ngoại nói rằng chính vì sự thất bại của những biện pháp trừng phạt Iraq đó đã thúc đẩy Hoa Kỳ tìm kiếm những phương cách mới để gây sức ép, buộc các nước khác phải thay đổi chính sách của họ.

Ông Michael Jacobson, một cựu quan chức của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, hiện nay là một chuyên gia về chống khủng bố tại Viện Chính sách Cận Đông ở thủ đô Washington. Ông nói rằng trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã thông qua và áp dụng những biện pháp được gọi là 'trừng phạt khôn khéo', đó là những biện pháp tài chính nhằm vào những mục tiêu cụ thể vốn là những cá nhân có những hành vi bị xem là bất hảo.

Chúng ta hãy lấy trường hợp của Iran làm thí dụ. Năm 1995, Hoa Kỳ đề xuất việc cấm buôn bán với những công ty đang làm ăn ở nước đó. Nhưng từ năm 2005 đến nay Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã xác định rõ những quan chức và công ty Iran nào là những người giúp phổ biến các loại vũ khí giết người hàng loạt.

Cựu quan chức Bộ Tài chính Michael Jacobson lập luận rằng những biện pháp trừng phạt mới đó - như việc phong tỏa tài sản của các cá nhân và việc áp dụng những hạn chế về du hành - có phần chắc sẽ tỏ ra có hiệu quả hơn những biện pháp trừng phạt bao trùm, không phân biệt trong quá khứ.

Ông Jacobson giải thích: "Khi quý vị đưa ra những lệnh cấm, như nói rằng 'một doanh nghiệp Hoa Kỳ không được làm ăn với bất cứ một công ty nào của Iran', thì tôi nghĩ rằng điều đó gửi đi một thông điệp rất khác với việc nói 'một doanh nghiệp Hoa Kỳ không được làm ăn với công ty cụ thể nào đó vì công ty này có dính dáng đến chuyện khủng bố, dính dáng đến chuyện phổ biến vũ khí giết người hàng loạt'.

Cho đến nay, những biện pháp trừng phạt đã không thuyết phục được Iran từ bỏ chương trình làm giàu uranium của họ.

Nhưng ông Jacobson nêu lên trường hợp của Bắc Triều tiên như một thí dụ trong đó những biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu cụ thể đã mang lại kết quả. Ông nói rằng việc phong tỏa khoảng 25 triệu đô-la trong các tài khoản của Bắc Triều Tiên ở Macao đã góp phần thuyết phục nước này quay trở lại bàn đàm phán về việc từ bỏ những tham vọng hạt nhân của họ.

Ông Jacobson nói: "Tôi nghĩ rằng chế độ Bắc Triều Tiên rời khỏi các cuộc đàm phán 6 bên và có lẽ sẽ không quay trở lại, cho đến khi việc chỉ định ngân hàng Banco Delta Asia được thực hiện nhằm giải quyết tranh chấp, và cho đến khi họ lấy lại được tiền nhờ sự chỉ định này. Và cũng theo tôi nghĩ thì đó là một trong những thời điểm mà các nhà làm chính sách ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới nhận ra rằng những biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu có tác động mạnh mẽ đến mức nào."

Các nhà phân tích khác thì lại cho rằng những biện pháp trừng phạt có mục tiêu có phần chắc sẽ không thành công hơn những biện pháp trừng phạt kinh tế truyền thống trong việc đạt được những mục đích của chúng.

Ông Gary Hufbauer là một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt làm việc tại Viện Kinh tế học Quốc tế Peterson ở thủ đô Washington.

Ông Hufbauer nói: "Chúng tôi không đưa ra một lời hứa hẹn có tính cách đao to búa lớn là những biện pháp trừng phạt có mục tiêu này sẽ thành công trong việc đạt được những mục tiêu của chúng. Tỷ lệ thành công của những biện pháp này cũng gần tương đương hay có thể là thấp hơn một chút so với tỷ lệ thành công của những biện pháp khác trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, nếu bằng cách nào đó quý vị có thể làm cho giới ăn trên ngồi trước không sử dụng được những tài khoản ngân hàng của họ, không đưa con cái đi học được ở các trường học tại Thụy sĩ, không du hành được ra nước ngoài, vân vân, thì ít ra quý vị cũng tránh được chuyện trừng phạt những người dân bình thường. Như thế, cái lợi của những biện pháp trừng phạt có mục tiêu là ở chỗ quý vị không phải gánh chịu hậu quả của mặt trái của việc trừng phạt—thí dụ như tình trạng sức khỏe suy yếu tràn lan hoặc suy dinh dưỡng, đặc biệt trong giới người cao tuổi và trẻ em."

Ông Hufbauer nói rằng bất cứ chúng được áp dụng như thế nào, những biện pháp trừng phạt nói chung chỉ đạt được những mục tiêu của chúng trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại vào khoảng 1/3 các trường hợp.

Ông Hufbauer nói: "Hoạt động ngoại giao không giống như một trận đấu bóng, trong đó có kẻ thắng người thua một cách rõ ràng, dứt khoát. Thường thường đó là một khoảng giữa chừng màu xám, không phân biệt trắng đen. Và đây là một công cụ của ngoại giao, một hoạt động thường có khuynh hướng nằm trong vùng màu xám lưng chừng ở khoảng giữa."

Ông Hufbauer lập luận rằng việc trừng phạt tỏ ra có hiệu quả nhất khi chúng nhắm những mục tiêu khiêm tốn, như đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị, thay vì tìm cách thay đổi chính phủ của một nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG