Đường dẫn truy cập

Hiệp định thư Kyoto chính thức có hiệu lực ở Australia


Australia đã phê chuẩn việc chấp nhận nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Việc ký hiệp ước hạn chế khí thải này đã biến thành hành động đầu tiên của chính phủ mới được bầu lên hồi năm ngoái. Từ Sydney, phái viên Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Hiệp định thư Kyoto về việc giảm thiểu khí thải có hiệu ứng nhà kính đã chính thức có hiệu lực ngày hôm nay ở Australia. Những người hoạt động cho môi trường và các nhà tranh đấu khác lâu nay đã vận động chính phủ Canberra đòi phê chuẩn hiệp ước mà họ cho là có thể góp phần bảo vệ châu lục này khỏi các tác động của hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.

Những danh lam thắng cảnh thiên nhiên như bờ đá san hô Great Barrier bị coi là dễ bị tác động của hiện tượng nhiệt độ tăng dần. Chính phủ của cựu thủ tướng John Howard đã không ký hiệp ước vì sợ rằng nó có thể gây phương hại đến nền kinh tế và bởi vì nó không buộc các quốc gia lớn đã phát triển với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, phải cắt giảm việc thải khí.

Chính phủ của thủ tướng Kevin Rudd đã đảo ngược chính sách đó khi lên nhậm chức hồi tháng 11 và đang hợp tác với các quốc gia khác để khai triển một khung sườn thay thế hiệp định thư Kyoto khi hiệp định thư này hết hạn vào năm 2012.

Ông Rudd muốn thiết lập một hệ thống trao đổi việc thải khí carbon trong nước và muốn rằng đến năm 2020 thì 20 phần trăm năng lượng của Australia phát xuất từ những nguồn có thể tái tạo.Hôm nay, ông Rudd nói với Quốc hội Australia rằng 'đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu là một thử thách của thế hệ chúng ta'.

Nghị sĩ Bob Brown thuộc đảng Xanh nói rằng người dân Úc đang yêu cầu có biện pháp mạnh để bảo vệ môi trường.

Ông Brown nói: “Các cuộc thăm dò công luận cho thấy sự ủng hộ lớn dành cho không những Nghị định thư Kyoto mà cả cho các biện pháp lớn hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đó là một diễn biến quan trọng đánh dấu sự tham gia cộng đồng các quốc gia của chúng ta và hy vọng là chúng ta sẽ quay trở lại vị trí đi tiên phong trong việc mưu tìm một thỏa thuận toàn cầu nhằm giải quyết mối đe dọa lớn nhất và độc nhất do con người gây ra mà cộng đồng quốc tế phải đối phó trong tương lai, đó là hiện tượng biến đổi khí hậu.”

Các chuyên gia nói rằng Australia còn phải thực hiện nhiều biện pháp nữa để tăng cuờng vị thế là một quốc gia bảo vệ môi trường. Sự lệ thuộc vào than đá rẻ tiền đã khiến cho Australia trở thành nước gây ô nhiễm do thải khí nhà kính nhiều nhất tính theo đầu người.Nhiều khoa học gia cho rằng các loại khí có hiệu ứng nhà kính sản sinh từ việc đốt than đá, dầu và các loại nhiên liệu có chứa carbon khác đã góp phần gây ra sự tăng nhiệt trên toàn cầu.

Các tổ chức bảo vệ môi trường đã kêu gọi Australia vượt quá chỉ tiêu đã định là giảm khí thải có hiệu ứng nhà kính xuống 60 phần trăm so với mức của năm 2000 trước năm 2050. Việc Australia phê chuẩn nghị định thư Kyoto khiến cho Hoa Kỳ trở thành cường quốc phát triển duy nhất còn lại chưa chịu ký hiệp ước toàn cầu này.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG