Đường dẫn truy cập

Tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc gia tăng tới mức báo động


Từ khi những biện pháp cải cách kinh tế được bắt đầu thực hiện vào cuối thập niên 1970, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành một cường quốc kinh tế đã tạo ra những áp lực vô cùng to lớn cho môi trường. Những vấn đề liên quan tới ô nhiễm - từ mưa acít cho tới những dòng sông nhiễm độc, giờ đây đã trở thành vấn đề thường ngày ở Trung Quốc. Các giới chức ở Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm cải thiện công tác bảo vệ môi trường, nhưng hầu hêt các chuyên gia đều cho rằng những nỗ lực này còn nhiều thiếu sót. Từ Hồng Kông, thông tín viên Naomi Martiq của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Trong những ngày mà tình trạng ô nhiễm lên cao ở các thành phố của Trung Quốc, dân chúng không thể thấy rõ cảnh vật nằm cách họ chỉ vài trăm mét. Ở miền bắc Trung Quốc, nạn hạn hán đã khiến cho hơn 2 triệu người bị thiếu nước uống - một phần là vì lượng nước còn lại của các nơi chứa nước bị ô nhiễm nặng. Tại các thành phố, như thành phố Quảng Châu ở miền nam, giới hữu trách đã ra sức ngăn chận nạn ô nhiễm không khí từ hơn 10 năm nay nhưng không mang lại kết quả nào đáng kể.

Trong vài năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước ở Trung Quốc đã tăng cao tới mức báo động. Mặc dù là nơi có những con sông và hồ nước thuộc loại lớn nhất thế giới, hai phần ba các thành phố ở Trung Quốc phải chịu cảnh thiếu nước vì nạn sử dụng quá độ và nạn ô nhiễm. Nhiều chuyên gia dự báo là Trung Quốc sắp sửa qua mặt Hoa kỳ để trở thành quốc gia thải khí carbon nhiều nhất thế giới.

Ông Lỗ Tử Bình là Giám đốc Chiến dịch của Tổ chức Hòa bình Xanh tại Bắc Kinh. Ông nói rằng các số liệu của chính phủ cho thấy rằng hơn một nửa sông hồ ở Trung Quốc bị ô nhiễm và không khí cũng bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng.

Ông Lỗ Tử Bình nói: "Theo Ngân hàng Thế giới, trong số 20 thành phố bị ô nhiễm nặng nhất thế giới, có 17 thành phố là ở Trung Quốc."

Dân số đang gia tăng của Trung Quốc cũng đang góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm trở nên tệ hại hơn. Ông Giang Lôi Văn -- giáo sư môi trường quốc tế ở Đại học Brown của Mỹ, cho biết rằng tuy không tăng với mức báo động, nhưng vấn đề dân số của Trung Quốc cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Ông Giang nói: "Sự tăng trưởng của dân số và sự gia tăng trong lãnh vực tiêu thụ đương nhiên sẽ tạo thêm những áp lực lớn hơn cho môi trường và tài nguyên thiên nhiên."

Một trong những đối tượng phải chịu áp lực ngày càng tăng là nguồn nước - vốn có sự phân bổ thiếu cân bằng ở Trung Quốc. Miền bắc là nơi khô hạn hơn so với miền nam nhưng dân số ở đây lại gia tăng - vì vậy, lượng tính tính theo đầu người ngày càng ít đi.

Giới hữu trách ở Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp để cải thiện tình hình. Chính quyền trung ương đã ra lệnh đóng cửa hàng ngàn công xưởng gây ô nhiễm và phạt vạ những công ty không tuân hành những qui định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia như ông Paul Harris, giáo sư môi trường học ở Đại học Lĩnh Nam tại Hồng Kông, phần lớn các nỗ lực của Trung Quốc không mang lại kết quả.

Ông Harris nói: "Trong các chính quyền cấp địa phương, cấp tỉnh, và cấp vùng, tệ nạn tham nhũng vẫn nằm ở mức cao và sự mong muốn được hưởng lợi từ công cuộc kỹ nghệ hóa vẫn còn rất mạnh. Chính phủ ở Bắc Kinh có rất ít ảnh hưởng trong việc thay đổi quan điểm này của các chính quyền địa phương."

Giáo sư Harris cho biết có nhiều công ty ở Trung Quốc sẵn sàng đóng tiền phạt thay vì phải chi tiêu nhiều hơn để tuân hành những qui định về môi trường. Ông tin rằng chỉ khi nào các vấn đề ô nhiễm bắt đầu gây thiệt hại cho sự tăng trưởng của cả vùng thì các giới chức địa phương mới nghiêm chỉnh chấp hành những luật lệ bảo vệ môi trường.

Nạn ô nhiễm cũng đã bắt đầu gây ra tình trạng xáo trộn xã hội ở Trung Quốc. Dân chúng sinh sống gần những nhà máy gây ô nhiễm đã thực hiện những vụ xuống đường phản kháng để bày tỏ phẫn nộ trước nạn ô nhiễm đất đai và nguồn nước. Giáo sư Harris cho biết ông tin rằng những vụ phản kháng sẽ tiếp tục gia tăng song song với các vấn đề về môi trường.

Ông Harris nói: "Chính phủ sẽ phải chật vật đối phó với những vụ phản kháng và những vấn đề khác liên quan đến nạn ô nhiễm. Vì vậy tôi nghĩ rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc nói riêng và chính phủ Trung Quốc nói chung có thể sẽ nhận ra rằng: sự tồn tại của họ, sự nắm giữ quyền lực của họ, sẽ tùy thuộc vào những sự thay đổi của môi trường."

Các nhân vật hoạt động bảo vệ môi trường cho biết: nếu các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn duy trì ổn định xã hội và tiếp tục tăng trưởng kinh tế thì họ cần phải siết chặt các luật lệ và áp dụng những công nghệ ít gây ô nhiễm cho môi trường.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG