Đường dẫn truy cập

Buổi hòa nhạc ở Bình Nhưỡng có thể giúp khai thông đàm phán 6 bên


Cuộc trình diễn mới đây tại Bình Nhưỡng của dàn nhạc Đại hòa tấu New York không phải chỉ là một buổi hòa nhạc thông thường, mà còn là một cơ hội để các đặc sứ không chính thức của Mỹ tiến hành những cuộc thảo luận với các giới chức cao cấp của chính phủ Bắc Triều Tiên. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Triều Tiên, thông tín viên Kurt Achin của đài VOA có bài tường thuật về những gì mà các nhân vật tổ chức buổi hòa nhạc đã nghe được từ phía Bắc Triều Tiên về cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên.

Ông Donald Gregg, cựu Đại sứ Mỹ tại Nam Triều Tiên, và ông Evans Revere, Chủ tịch Hội Triều Tiên có bản doanh ở New York, đã tiếp xúc với báo chí tại Hán Thành ngày hôm nay. Hai ông cho biết là đã cảm nhận được một thiện chí vô cùng mạnh mẽ tại buổi hòa nhạc ở Bình Nhưỡng hồi đầu tuần này.

Hai cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ này nói rằng: buổi trình diễn - được trực tiếp truyền hình ở Bắc Triều Tiên, có thể đã tạo ra một bầu không khí thích hợp để đạt được khai thông cho cuộc đàm phán 6 bên đang gặp bế tắc. Năm ngoái, Bắc Triều Tiên cam kết khai báo toàn bộ các hoạt động hạt nhân trước cuối năm 2007, nhưng cho đến nay cam kết đó vẫn chưa được thực hiện.

Trong chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên, ông Gregg và ông Revere đã nói chuyện trong nhiều giờ đồng hồ với ông Kim Kye Kwan, trưởng đoàn thương thuyết hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Cựu Đại sứ Gregg cho biết ông đã hỏi ông Kim về bản khai báo của Bắc Triều Tiên, nhưng ông chỉ nhận được một câu trả lời không đầy đủ.

Ông Gregg nói: "Ông ấy đã đáp lại câu hỏi đó bằng cách nói rằng 'phía Mỹ các ông đã quá chậm chạp trong việc chuyển giao nhiên liệu cho chúng tôi." Ông ấy nói rằng vì các ông không thực hiện đúng công thức "có qua có lại" cho nên chúng ta phải gặp bế tắc'."

Bản khai báo của Bắc Triều Tiên là một phần của một thỏa thuận rộng lớn hơn và bao gồm nhiều giai đoạn - với nội dung chính là Bắc Triều Tiên thực hiện những hành động tuần tự nhằm tiến tới chỗ hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân, và để đổi lại, họ sẽ nhận được viện trợ năng lượng, trợ giúp tài chánh và những tưởng thưởng về ngoại giao.

Ông Gregg cho biết một lý do sâu xa hơn của sự trễ nãi trong việc khai báo là Bắc Triều Tiên e rằng nội dung của văn kiện đó có thể khiến cho họ gặp phải bối rối. Lâu nay, Washington nhất mực đòi Bắc Triều Tiên nói rõ về chương trình tinh luyện uranium mà Bình Nhưỡng chưa hề công khai thừa nhận và giải tỏa những thắc mắc về việc Bắc Triều Tiên có thể đã cung cấp cho Syrie những sự trợ giúp trong lãnh vực hạt nhân.

Ông Gregg cho biết: cựu Bộ trưởng quốc phòng William Perry nói với ông Kim Kye Kwan rằng lúc này là thời điểm tốt nhất để hành động -- trong lúc Tổng thống George W Bush còn tại chức, thay vì chờ cho tới vị Tổng thống mới của Mỹ nhậm chức vào tháng giêng năm 2009. Sau đây là vài lời của cựu Đại sứ Gregg.

Ông Gregg nói: "Sau đó, chúng tôi đã giải thích lý do cần phải nhanh chóng hành động bằng cách mô tả những gì sẽ xảy ra dưới một chính phủ của Tổng thống McCain hay Tổng thống Obama - một tình huống rõ ràng là sẽ khó khăn hơn tình huống hiện nay. Ông Kim không nói điều gì sau khi nghe lời giải thích của chúng tôi."

Ông Gregg nói thêm rằng ông tin là sự im lặng của ông Kim chính là sự chấp nhận.

Theo nhận xét của các chuyên gia: nếu được bầu làm Tổng thống, ông John McCain của đảng Cộng hòa có phần chắc là sẽ áp dụng một đường lối cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên; trong khi đó, nếu vị tổng thống sắp tới là một người thuộc đảng Dân chủ thì những sự lựa chọn của nhà lãnh đạo đó cũng sẽ bị giới hạn rất nhiều bởi những đối thủ thuộc phe Cộng hòa tại Quốc hội.

Cũng trong ngày hôm nay, trưởng đoàn thương thuyết hạt nhân của Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Christopher Hill đã rời Bắc kinh sau khi thảo luận với các giới chức Trung Quốc về cách khởi động lại tiến trình đàm phán. Ngày giờ mở lại cuộc đàm phán 6 bên vẫn chưa được ấn định.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG