Đường dẫn truy cập

Nhiều tòa án tại Châu Á bị chỉ trích không thực thi các luật môi trường


Trong những năm gần đây, một số quốc gia đang phát triển ở Châu Á đã đưa ra những bộ luật nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Nhưng tại hội nghị đang diễn ra tuần này tại Bangkok, các luật gia tham dự nói rằng nhiều tòa án tại các nước đó không thực thi đứng đắn các luật môi trường. Thông Tín Viên Luis Ramirez có mặt tại Bangkok gửi về bài tường trình sau đây.

Các luật gia chuyên về môi trường nói rằng vì có nạn tham nhũng và vì không có ý chí chính trị cho nên quyết định của nhiều tòa án đã bị thay đổi, khiến cho chính quyền không thể áp dụng những biện pháp trừng phạt những người gây ô nhiễm.

Các luật gia này đã lên tiếng với báo chí, bên lề hội nghị do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Bangkok để bàn về thực thi luật lệ môi trường.

Ông M.C. Mehta, một luật sư đã từng tranh cãi nhiều vụ nổi tiếng về môi trường trước Tòa Án Tối Cao của Ấn Độ; là một trong số các luật gia, thẩm phán, và quan chức của hơn 40 quốc gia tham dự hội nghị. Ông nói rằng Ấn Độ và nhiều nước khác đã ban hành nhiều bộ luật về môi trường, nhưng nếu chỉ có thế thôi thì cũng chưa đủ.

Ông Mehta nói: "Ở đây là vấn đề qui trách nhiệm. Nguyên tắc về chuyện trách nhiệm có thể được thiết lập khi nước Ấn Độ chúng tôi có các luật lệ. Chúng tôi đã có luật về môi trường nhưng đã không được thực thi chặt chẽ. Nếu chỉ nói suông trong hiến pháp thì cũng chẳng giúp ích gì."

Vấn đề này cũng xảy ra cho mấy mươi quốc gia Châu Á khác. Ví dụ như tại Trung Quốc, chính quyền đã đặt ra các luật mới, quy định và hạn chế nghiêm ngặt chuyện xây thêm các nhà máy điện sử dụng than đá, những các chuyên viên bảo vệ môi trường cho biết các luật đó phần lớn đều không được tôn trọng.

Tại các quốc gia khác, các nhà bảo vệ môi trường nói rằng những trừng phạt dành cho tội gây ô nhiễm không khí hoặc các hành vi phá hoại môi trường khác quá nhẹ. Lấy ví dụ như tội phá rừng tại nhiều nước Đông Nam Á, tội này chỉ bị phạt tiền, và người vi phạm tiếp tục lén lút đốn gỗ.

Luật gia Mehta của Ấn Độ cho biết ông đang vận động để Tòa Án Tối Cao nước ông đưa ra quyết định để bắt buộc các trường phải dạy môn bảo vệ môi trường. Ông tin rằng nếu người ta xây dựng được ý thức bảo vệ môi trường ngay từ cấp cơ sở thì sẽ khiến nhà chức trách có thái độ trách nhiệm hơn.

Ông Mehta nói: "Nếu một đứa trẻ có cảnh giác, có ý thức; vâng, những đứa trẻ rất dễ có những cảnh giác này; nếu những người trẻ, những phụ nữ; là những người thực sự có quyền lợi trong vấn đề này, nếu ngày nào họ cũng lên tiếng phàn nàn về ô nhiễm môi trường, thì họ sẽ buộc nhà chức trách phải có hành động."

Những người tổ chức hội nghị kéo dài ba ngày ở Bangkok hy vọng họ sẽ nâng cao được trình độ cảnh giác nơi các thẩm phán trong khu vực; nâng cao nhận thức của họ về vai trò mà ngành tư pháp có thể đóng vào công cuộc bảo vệ môi trường.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG