Đường dẫn truy cập

Sara Jane Moore: Tự do sau 32 năm tù tội mưu sát một Tổng Thống Mỹ


Đầu năm 2008, người đón mừng năm mới với tâm trạng của một người được hưởng bầu không khí tự do đúng nghĩa nhất có lẽ là bà Sara Jane Moore, người nữ tù đã được phóng thích vào ngày cuối cùng của năm 2007 sau 32 năm bị giam giữ vì tội mưu sát một Tổng Thống Mỹ. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết do Trần Nam lược thuật về người nữ tù này và nhân vật mà bà muốn ám sát, vốn có liên quan đến chiến tranh Việt Nam và những người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ sau tháng Tư năm 1975.

Đầu năm 2008, ngoài những tin tức liên quan đến những lễ hội mừng năm mới, báo chí tại Hoa Kỳ cũng loan tải một bản tin khá dài nói về việc một phụ nữ Mỹ bị kết án tù chung thân nhưng đã được phóng thích hôm 31 tháng 12 năm 2007 sau 32 năm ngồi tù vì tội mưu sát Tổng Thống Gerald Ford hồi năm 1975. Nhiều người Việt tại Hoa Kỳ đã chú ý đến tin này vì nó có liên quan đến một nhân vật của nước Mỹ vốn đã đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch thu nhận hàng trăm ngàn người Việt đến tị nạn tại Hoa Kỳ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào cuối tháng Tư năm 1975.

Theo tin của hãng thông tấn AP hồi đầu tuần này thì bà Sara Jane Moore, 77 tuổi, người đã nổ súng vào Tổng Thống Gerald Ford trong một vụ ám sát bất thành hồi năm 1975 đã rời khỏi nhà tù Liên Bang ở Dublin nằm về phía Đông thành phố San Francisco hôm thứ Hai sau 32 năm bị giam giữ.

Một giới chức tại nhà tù này đã không cho biết lý do tại sao bà Moore lại được phóng thích trong khi đang thụ án tù chung thân mà chỉ nói rằng những tù nhân nào bị án tù chung thân mà có hạnh kiểm tốt đều có thể xin được phóng thích có điều kiện sau khi thọ án được 10 năm.

Khi nổ súng để ám sát Tổng Thống Gerald Ford hôm 22 tháng 9 năm 1975 thì bà Moore chỉ đứng cách ông Ford khoảng 12 mét tại một nơi ở bên ngoài một khách sạn tại San Francisco. Khi bà nâng khẩu súng lục và bóp cò thì ông Oliver Sipple, một thương phế binh và cũng là cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang đứng cạnh bà, nhanh tay hất cánh tay của bà lên khiến cho viên đạn bay bổng qua đầu của ông Ford khoảng một hay 2 mét. Trong những cuộc phỏng vấn mới đây khi còn ở trong tù, bà Moore nói rằng bà cảm thấy hối hận vì những hành động của mình. Cũng theo lời người nữ tù này thì bà đã bị mù quáng vì những quan điểm chính trị cực đoan của cánh tả.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình KGO-TV cách đây một năm, bà Moore nói rằng bà rất mừng vì vụ ám sát đã thất bại vì bây giờ bà biết rằng những gì bà đã làm là sai trái.

Chỉ 17 ngày trước khi xảy ra vụ mưu sát này, Tổng Thống Ford cũng đã thoát chết trong một mưu toan ám sát khác nhắm vào ông tại Sacramento mà thủ phạm cũng là một phụ nữ.

Những vụ mưu sát vừa kể đã xảy ra vào thời điểm mà những vết thương trong lòng người dân Mỹ về cuộc chiến tại Việt Nam vẫn chưa được hàn gắn, và những bất đồng về chính trị giữa người dân và chính quyền vẫn còn sâu đậm mặc dù chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.

Không ai biết một cách chắc chắn về lập trường chính trị của bà Moore và động lực nào đã thúc đẩy bà mưu sát Tổng Thống Ford. Tuy nhiên, theo lời bà thì lúc bấy giờ bà tin rằng chính phủ đã tuyên chiến với những người thuộc thành phần tả khuynh, tức là thành phần đã tổ chức những cuộc biểu tình phản chiến rầm rộ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Riêng về phía Tổng Thống Gerald Ford thì những vụ mưu sát này dường như vẫn không làm cho ông nao núng. Ông nói rằng nếu chúng ta không có cơ hội để gặp gỡ, để bắt tay nhau và nói chuyện với nhau thì đó là điều không ổn trong xã hội của chúng ta.

Tuy nhiên, hai vụ mưu sát xảy ra trong cùng một tháng đã làm cho cả nước Mỹ bàng hoàng sửng sốt và đã khiến cho Quốc Hội Mỹ đòi phải mở một cuộc điều tra đối với Cơ quan Mật Vụ về trách nhiệm bảo vệ Tổng Thống. Trong những cuộc điều trần tại Quốc Hội, người ta được biết cơ quan này có một danh sách của gần 50,000 người bị xem là có thể gây nguy hại cho Tổng Thống Mỹ. Tuy nhiên trong số 2 phụ nữ mưu toan ám sát ông Ford, không có người nào có tên trong danh sách này.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, ông Ford có lẽ là một Tổng Thống may mắn nhất vì đã không bị hề hấn gì trong cả 2 lần mưu sát, và ông cũng là một chính trị gia duy nhất trở thành vị nguyên thủ quốc gia mà không qua một cuộc bầu cử nào.

Vào năm 1972, ông Richard Nixon và ông Spiro T. Agnew đã được tái đắc cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Đến năm 1973 ông Agnew bị cáo buộc về tội trốn thuế nên đã từ chức. Tổng Thống Nixon đã chỉ định ông Ford làm Phó Tổng Thống để thay thế ông Agnew. Người ta cho rằng sở dĩ ông ông Ford được chọn là vì ông là một người đáng tin cậy và được nhiều người ủng hộ tại Hạ Viện, đồng thời ông cũng là một người bạn thân của Tổng Thống Nixon trong hơn 20 năm.

Đến năm 1974, Tổng Thống Nixon đã bị buộc phải từ chức vì vụ tai tiếng Watergate, do đó Phó Tổng Thống Ford đã trở thành Tổng Thống thứ 38 của nước Mỹ.

Là một thành viên của đảng Cộng Hòa tại Bang Michigan, và từng là dân biểu Hạ Viện trong 13 nhiệm kỳ, ông Ford đã bước vào Tòa Bạch Ốc vào thời điểm mà cuộc chiến tranh Việt Nam đang đến hồi khốc liệt nhất và nước Mỹ đang có nhiều phân hóa vì những quan điểm khác biệt về cuộc chiến tranh này.

Hơn 3 thập niên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và sau khi ông qua đời cách đây hơn một năm thì người ta mới nhắc lại những gì mà ông đã thực hiện được trong thời gian phục vụ ngắn ngủi tại Tòa Bạch Ốc, trong đó có những sự kiện cho thấy rằng ông đã làm đúng vai trò của mình trong việc hàn gắn những chia rẽ trong bối cảnh của một đất nước mà dân chúng đã mất niềm tin vào chính quyền.

Khi đảm nhận chức vụ Tổng Thống vào ngày mùng 9 tháng 8 năm 1974, ngoài việc khôi phục niềm tin trong dân chúng Mỹ, ông Ford cũng đã có những nỗ lực về nhân đạo đối với người Việt Nam trong 29 tháng cầm quyền.

Khi chiến tranh Việt Nam trở nên sôi động vào đầu thập niên 1975 với làn sóng người tị nạn ào ạt từ miền Trung chạy vào miền Nam, và nhiều trẻ em bị bỏ rơi, nhất là trẻ em tại các cô nhi viện, thì ngày 3 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Ford, với sự đồng ý của chính quyền miền Nam, đã quyết định thực hiện một chiến dịch nhân đạo có tên là Operation Babylift nhằm mục đích di tản các trẻ em bất hạnh này ra lánh nạn ở nước ngoài.

Theo ước tính thì trong chiến dịch này có ít nhất là 2 ngàn trẻ mồ côi đã đến được Hoa Kỳ và khoảng một ngàn 300 em khác đã được đưa đến Canada, Châu Âu và Australia. Ngoài ra, ông Ford cũng là người đã đóng góp nhiều công lao trong việc vận động Quốc Hội, các cơ sở tôn giáo và các đoàn thể dân chúng tại Hoa Kỳ để thu nhận những người Việt tị nạn sau khi các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt tiến chiếm Saigon vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhờ đó khoảng 125,000 người Việt Nam tị nạn đã đến được Hoa Kỳ trong đợt đầu tiên.

Trong một bài báo có tựa đề Di Sản Tốt Đẹp Nhất của ông Gerald Ford, được đăng trên 2 tờ báo Mỹ là The Los Angeles Times và The Washington Post, sau khi ông Ford qua đời vào cuối năm 2006, nhà báo Phạm Xuân Quang, một người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ vào năm 1975 khi ông 10 tuổi, viết rằng những người Việt tị nạn đã vô cùng may mắn, người giúp đỡ chúng ta nhiều nhất lúc bấy giờ là Tổng Thống Gerald Ford. Trong đoạn cuối của của bài báo, ông Quang kết luận rằng tháng 4 năm 1975 là tháng nghiệt ngã nhất cho chúng tôi nhưng nhờ tài lãnh đạo của Tổng Thống Ford, chúng tôi đã nhận được sự đối xử tử tế và tấm lòng hào hiệp của nước Mỹ trong những ngày đen tối nhất.

Còn một số người Việt khác thì cho rằng ông là một người can đảm vì trong khi đa số người dân Mỹ muốn quên đi chiến tranh Việt Nam và không muốn chuốc lấy gánh nặng người tị nạn thì ông Ford vẫn tiếp tục các nỗ lực vận động để giúp đỡ người Việt dù điều đó có thể gây bất lợi cho ông về mặt chính trị.

Tuy nhiên, những đóng góp mà cộng đồng người Việt đã cống hiến cho nước Mỹ trong nhiều lãnh vực đã càng ngày càng chứng tỏ rằng những nỗ lực mà Tổng Thống Ford đã làm cho người Việt trong 32 năm trước, rõ ràng không phải là điều vô ích.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG