Đường dẫn truy cập

Ấn Ðộ, EU nhắm tới hiệp định tự do mậu dịch vào cuối năm 2008


Các giới chức tại hội nghị thương mại cấp cao giữa Ấn Độ và Liên hiệp Châu Âu đã nêu ra chỉ tiêu đúc kết một hiệp định thương mại toàn diện vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, theo tường thuật do thông tín viên Steve Herman của đài chúng tôi gởi về từ New Dehli, một số chuyên gia tin rằng đó là một chỉ tiêu khó lòng đạt được.

Các giới chức thương mại Ấn Độ cho biết họ hy vọng có thể đúc kết một hiệp định mậu dịch tự do với Liên hiệp Châu Âu vào cuối năm tới.

Hôm nay, các giới chức thương mại hàng đầu của Ấn Độ và Liên hiệp Châu Âu đã tiến hành các cuộc thảo luận tại New Dehli với mục tiêu thúc đẩy tiến độ của cuộc thương thuyết về hiệp định này. Liên hiệp Châu Âu - gồm 27 quốc gia thành viên, là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và là một trong những nguồn đầu tư then chốt của quốc gia đông dân hàng thứ nhì thế giới này.

Tuy nhiên, theo dự đoán của ông Pradeep Agrawal, giáo sư kinh tế học của Viện Tăng trưởng Kinh tế Ấn Độ, thì đôi bên khó có thể đúc kết một hiệp định mậu dịch toàn diện trong một sớm một chiều.

Ông Agrawal nói: "Việc này sẽ phải tiến hành theo từng giai đoạn. Không thể nào có ngay một lúc một thỏa thuận tự do mậu dịch cho mọi loại hàng hóa và dịch vụ, bởi vì tôi biết chắc là có một số công nghiệp và những nhóm nông nghiệp của cả đôi bên sẽ phải gánh chịu những tác động tiêu cực."

Trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ ngày hôm qua, Ủy viên Thương mại của Liên hiệp Châu Âu, ông Peter Mandelson đề nghị rằng ngành chế tạo nên là trọng tâm của hiệp định song phương. Theo ông Mandelson, khu vực chế tạo của Ấn Độ sẽ có những quyền hạn mới để tiến vào thị trường Châu Âu và hiệp định này sẽ giúp cho các sản phẩm công nghiệp của Liên hiệp Châu Âu được bán sang Ấn Độ với giá rẻ hơn.

Cuộc đàm phán với Liên hiệp Châu Âu được thực hiện trong lúc Ấn Độ đang phải cạnh tranh với Trung Quốc để thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, số đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc cao gấp mười lần con số của Ấn Độ.

Chính phủ ở New Dehli đang tìm cách tăng cường cơ sở chế tạo cho ngang tầm với khu vực dịch vụ, là khu vực lâu nay vẫn được nhiều người đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ có 7 triệu người Ấn Độ làm việc trong ngành chế tạo so với con số 100 triệu người ở Trung Quốc.

Giáo sư Agrawal nói rằng các số liệu đó là một động cơ mạnh mẽ để thúc đẩy Ấn Độ đúc kết một hiệp định với Liên hiệp Châu Âu.

Ông Agrawal nói: "Sẽ có một số người quan niệm rằng Trung Quốc hiện nay rất khởi sắc trong lãnh vực xuất khẩu và những lãnh vực tương tự như vậy, và Ấn Độ chúng tôi cần phải gắng sức để đuổi theo. Vì thế cho nên chắc chắn là sẽ có nhiều người cảm thấy rằng nếu Trung Quốc có một hiệp định như vậy với Liên hiệp Châu Âu mà chúng tôi không có thì hoạt động xuất khẩu của chúng tôi sẽ gặp phải rất nhiều điều bất lợi."

Tuy nhiên, Liên hiệp Châu Âu cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành một hiệp định tự do mậu dịch với cả Bắc kinh lẫn New Dehli. Trong các cuộc thảo luận hồi đầu tuần này với Trung Quốc, các nhà thương thuyết của Liên hiệp Châu Âu đã tranh cãi gay gắt với các giới chức Trung Quốc về mức thâm hụt mậu dịch ngày càng tăng của Châu Âu và về sự lo ngại của các nước trên thế giới đối với sự an toàn của các sản phẩm của Trung Quốc.

Trong khi đó, các giới chức Ấn Độ cũng không hề che dấu thái độ kháng cự của họ đối với những tiêu chuẩn môi trường của Liên hiệp Châu Âu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các giới chức ở New Dehli nhất mực nói rằng Ấn Độ cần phải gia tăng lượng tiêu thụ các loại nhiên liệu hóa thạch để phát triển kinh tế và giảm thiểu tỉ lệ người nghèo.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG