Đường dẫn truy cập

EU, Trung Quốc sẽ bàn về các vấn đề mậu dịch gây nhiều tranh cãi


Ngày mai, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ khai mạc hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh. Mức thâm hụt mậu dịch của Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc và sự an toàn của các sản phẩm nhập từ Trung Quốc có phần chắc sẽ là những đề tài bao trùm hội nghị. Từ trung tâm tin tức Á Châu của VOA ở Hongong, phái viên Naomi Martig gửi về bài tường thuật chi tiết sau đây.

Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đang tề tựu tại Bắc Kinh sẽ nêu lên một số vấn đề mậu dịch khác nhau với Trung Quốc, trong đó có nhiều vấn đề đã tạo ra mối quan hệ ngày càng phức tạp hơn cho hai phía.

Sự an toàn về các sản phẩm do Trung Quốc chế tạo có phần chắc sẽ đứng đầu trong nghị trình của hội nghị. Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc chật vật cố gắng kiểm soát những sản phẩm có chất lượng xấu để tạo sự tin tưởng đối với hàng hóa mang nhãn hiệu 'sản xuất tại Trung Quốc'.

Một loạt những vụ tai tiếng liên quan đến sự an toàn của các loại hải sản, vỏ xe, kem đanh răng và đồ chơi cho trẻ em đã dẫn đến nhiều vụ cấm nhập khẩu các mặt hàng đó hay thu hồi những sản phẩm đã nhập rồi tại nước ngoài.

Hôm thứ Hai tại Bắc Kinh, ủy viên thương mại của Liên Hiệp Châu Âu, ông Peter Mandelson, đã tuyên bố rằng Trung Quốc phải đặt lên ưu tiên hàng đầu việc bảo đảm cho sự tin cậy và tin tưởng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của Trung Quốc nếu Bắc Kinh muốn duy trì mức tăng trưởng về xuất khẩu hàng hóa của những năm vừa qua.

Ông Mandelson nói: “Hồi mùa hè, một số giới chức Trung Quốc nêu ra sự kiện rằng chưa tới 1% sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang Châu Âu bị cáo buộc là có nguy cơ tác hại tới sức khỏe. Nhưng mỗi ngày Châu Âu nhập khẩu từ nước này số sản phẩm trị giá nửa triệu Euro, cho nên cho dù chỉ 1% cũng không thể chấp nhận được.”

Nhận định của ông Mandelson đã được giới chức mậu dịch hàng đầu của Trung Quốc là phó Thủ tướng Ngô Nghi đáp lại một cách lạnh nhạt. Bà nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc đã thực hiện những bước chưa từng có trước đây để bảo đảm chất lượng và sự an toàn của sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Các nhà thiết lập chính sách của Liên Hiệp Châu Âu cũng dự trù sẽ tạo sức ép yêu cầu các giới chức Trung Quốc cho hàng hóa của châu Âu tiếp cận thêm với thị trường Hoa lục, cũng như cải tổ tỉ giá hối đoái của chỉ tệ Trung Quốc.

Năm ngoái, mức thâm hụt về mậu dịch của Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc khoảng 170 tỉ đôla, năm nay người ta tin sẽ lên đến mức kỷ lục là xấp xỉ 230 tỉ đôla. Các giới chức Liên Hiệp Châu Âu đổ lỗi cho mức cách biệt rộng lớn của cái mà họ gọi là tỉ giá hối đoái thấp một cách giả tạo của chỉ tệ Trung Quốc đã khiến cho Trung Quốc chiếm lợi thế mậu dịch một cách bất công.

Ông Christer Ljungwall là một chuyên gia về mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tại đại học Bắc Kinh. Ông cho biết ông không tin là mối bất đồng liên quan đến tiền tệ của Trung Quốc sẽ được giải quyết trong thời gian trước mắt.

Ông Ljungwall nói: “Trước hết, bất cứ sự thay đổi nhanh chóng nào về chính sách hối đoái, sẽ không thể tiên đoán được và thật khó mà thấy được kết quả cụ thể. Và trong bối cảnh của Trung Quốc, thì có phần chắc chuyện đó sẽ không xảy ra.”

Trung Quốc đã chần chừ không để cho chỉ tệ của họ bị dao động nhanh chóng vì sợ rằng sẽ đưa tới trình trạng thất nghiệp và mất ổn định trên thị trường.

Sau Hoa kỳ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn hàng thứ nhì của Liên Hiệp Châu Âu và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của khối này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG