Đường dẫn truy cập

Miến Điện gây nhiều khó khăn cho lãnh đạo ASEAN


Vấn đề liên quan tới Miến Điện đã gây ra nhiều khó khăn bối rối cho các nhà lãnh đạo ASEAN đang họp thượng đỉnh ở Singapore và làm bộc lộ những sự chia rẽ sâu xa giữa các nước trong hiệp hội này. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Luis Ramirez của đài chúng tôi gởi về từ Singapore.

Các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN đã nâng ly chúc mừng nhau sau khi ký kết bản hiến chương mà họ hy vọng sẽ mang tới một tương lai tốt đẹp cho hiệp hội này. Tuy nhiên, đằng sau những lời chúc tụng tại hội nghị là những mối chia rẽ sâu sắc về cách xử lý những vấn đề liên quan tới một nước hội viên là Miến Điện.

Mối chia rẽ này đã bộc lộ một cách rõ ràng khi Tổng thống Gloria Arroyo của Philipin tuyên bố rằng quốc hội nước bà khó lòng phê chuẩn hiến chương ASEAN nếu Miến Điện tiếp tục giam giữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Philipin nằm trong số các nước thành viên ASEAN ủng hộ cho việc thực hiện các hành động cứng rắn hơn để đòi Miến Điện tiến hành cải cách dân chủ và cải thiện thành tích nhân quyền. Các nước khác có liên hệ kinh tế mật thiết với Miến Điện, như Thái lan chẳng hạn, thì cho rằng vấn đề này là một vấn đề nội bộ do chính Miến Điện giải quyết.

Ngoại trưởng Kampuchia, ông Hor Nam Hong, nói rằng qua việc ký kết hiến chương - trong đó có qui định việc thành lập một cơ quan nhân quyền, Miến Điện đã đồng ý sẽ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ nhân quyền:

Vị ngoại trưởng của Kampuchia cho biết Miến Điện sẽ phải tôn trọng hiến chương ASEAN sau khi văn kiện này được ký kết.

Tuy nhiên, một số các nhà quan sát cho rằng nhận định vừa kể là lạc quan quá độ, bởi vì hiện giờ vẫn chưa rõ là cơ cấu và quyền hạn của cơ quan nhân quyền đó sẽ như thế nào.

Cho tới lúc này, Miến Điện đã thành công trong việc ngăn chận một số những cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh về những hành động của họ. Những người tổ chức hội nghị đã đột ngột hủy bỏ một cuộc thuyết trình của đặc sứ Ibrahim Gambari của Liên Hiệp Quốc. Quyết định này được loan báo sau khi kế hoạch thuyết trình gặp sự chống đối của chính phủ Miến Điện.

Hôm qua, một thành viên của phái đoàn Miến Điện tuyên bố rằng tập đoàn quân nhân cầm quyền không muốn vấn đề liên quan tới vụ đàn áp ở nước họ bị quốc tế hóa.

Viên chức Miến Điện này nói rằng ông Gambari nên thực hiện cuộc thuyết trình của ông tại Liên Hiệp Quốc và để cho người dân Đông Nam Á giải quyết các vấn đề của vùng Đông Nam Á.

Nước chủ nhà Singapore cho biết họ sẽ tạo điều kiện cho các nước hội viên nào muốn gặp gỡ đặc sứ Gambari. Đề nghị đó đã được Tổng thống Gloria Arroyo của Philipin chấp nhận và bà đã gặp vị đặc sứ của Liên Hiệp Quốc trong ngày hôm nay.

Sau khi loan báo quyết định hủy bỏ cuộc nói chuyện của ông Gambari, khối ASEAN đã công bố một thông cáo thúc giục Miến Điện tiến tới trên con đường chuyển hóa hòa bình sang thể chế dân chủ, và trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi cùng với tất cả những người bị bắt vì chống đối chính quyền quân nhân.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG