Lời dẫn: Trước khi rời Washington để dẫn đầu một phái đoàn gồm đại diện 23 công ty Mỹ sang Việt Nam trong một chuyến công du nhằm mục đích củng cố quan hệ kinh tế với Việt Nam và đẩy mạnh các giao dịch thương mại song phương, Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, ông Carlos Gutierrez, đã dành cho Ban Việt Ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ một cuộc phỏng vấn về chuyến công du có tầm quan trọng đặc biệt này. Hoài Hương tường trình một số chi tiết trong câu chuyện với Bộ Trưởng Gutierrez như sau.
VOA: Thưa ông Bộ Trưởng, ông sẽ hướng dẫn sứ mạng doanh nghiệp cấp Nội Các đầu tiên sang Việt Nam, xin ông cho biết mục đích chuyến đi?
Bộ Trưởng Gutierrez: “Mục đích chủ yếu là để củng cố quan hệ kinh tế và thương mại với Việt Nam. Cùng đi với chúng tôi có đại diện 23 công ty Mỹ, chúng tôi hy vọng rằng các công ty đã hoạt động ở Việt Nam sẽ có thể phát triển và củng cố sự hiện diện của họ tại đó, còn đối với những công ty chưa làm ăn với Việt Nam, chúng tôi hy vọng các công ty ấy sẽ có thể bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Tóm lại, mục đích chuyến đi là để củng cố quan hệ kinh tế và đẩy mạnh những giao dịch làm ăn giữa hai bên hầu có thể góp phần tạo ra phồn vinh cho cả hai nước.”
Bộ Trưởng Gutierrez cho biết ông sẽ gặp các quan chức cao cấp hàng đầu Việt Nam, kể cả Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, và các Bộ Trưởng kể cả Bộ Trưởng Thương Mại Việt Nam vv... và trọng tâm các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh những lĩnh vực tổng quát của quan hệ song phương và vấn đề chính sách.
Được hỏi về các công ty tham gia sứ mạng doanh nghiệp sang Việt Nam lần này, Bộ Trưởng Gutierrez cho biết các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác biệt, như ngành du lịch, ngành chế taọ sản xuất, vv... Ôâng Gutierrez nói Washington muốn tạo cơ hội để đại diện các công ty lớn của Hoa Kỳ có dịp tiếp xúc với các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, với các quan chức Việt Nam có đủ thẩm quyền để trả lời một số những thắc mắc của họ.
Bộ Trưởng Gutierrez: “Điều quan trọng là đối tượng của sứ mạng lần này chính là các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, chuyến đi này sẽ cho họ một cơ hội để tìm hiểu thị trường Việt Nam và nhờ đó có thể trở nên năng động hơn.”
Khi nói đến quan hệ kinh tế và mậu dịch Việt-Mỹ, không thể không nhắc đến Hiệp Định Thương Mại song phương có hiệu lực từ năm 2001, vì đây là bước ngoặt giúp kim ngạch mậu dịch hai chiều tăng gần 6 lần, từ 1 tỉ rưỡi đôla năm 2001 lên tới 9,7 tỉ vào năm ngoái, 2006. Bộ Trưởng Gutierrez đánh giá Hiệp Định Thương Mại Việt-Mỹ như sau:
Bộ Trưởng Gutierrez: “Tôi cho rằng việc thi hành Hiệp Định Thương Mại Song Phương là rất thành công, như những số liệu mà cô vừa đơn cử đã chứng minh. Điều lý thú là trong khi kim ngạch mậu dịch đã tăng gấp 5 lần, chúng tôi tin rằng hai nước còn có khả năng tăng hơn nữa các giao dịch thương mại hai chiều hơn là con số 9,7 tỉ đôla. Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, trong khi lợi tức đầu người tăng rất nhanh, chúng ta đều biết mức lợi tức này còn có thể tăng cao hơn nữa. Việt Nam có một tương lai rất sáng lạn, và chúng tôi rất tự hào có thể đóng một vai trò trong tương lai ấy.”
Trong khi giới phân tích nói chung cũng đồng ý với Bộ Trưởng Gutierrez rằng nền kinh tế Việt Nam rất có triển vọng, thì đối với các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, môi trường kinh doanh tại đây hãy còn rất nhiều thử thách vì những thay đổi thường xuyên về mặt luật pháp, và sự kiện Việt Nam chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về một số lĩnh vực chẳng hạn như việc áp dụng thuế quan chưa được nhất quán..., tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của các công ty nước ngoài, như lời đại diện của một công ty Mỹ sau đây.
Chairman, Board of Directors Cargill-Việt Nam
Ông Chánh Trương: “Khó khăn thì theo tôi nghĩ, một đó là luật thay đổi rất nhiều, thí dụ như là lúc trước luật đầu tư là Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư cấp giấy phép nhưng mà bây giờ thì các công ty nào muốn làm việc ở tỉnh nào thì phải do tỉnh đó cấp giấy phép. Thứ Hai, những cái standard ở Việt Nam chưa có về chẳng hạn như thuế hải quan, hoặc là Bộ Nông Nghiệp thì vấn đề xuất khẩu cá standard chưa có rõ ràng, Việt Nam còn phát triển mà... Một trong khó khăn chính, theo tôi thấy, là hệ thống hạ tầng cơ sở của Việt Nam, tàu, đường bộ rồi bến cảng... nó bị kẹt, congested, chỗ nào cũng bị congested, chỗ nào cũng có cảng nhưng mà cảng nhỏ.”
Đó là phát biểu của ông Chánh Trương, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, công ty Cargill của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông Chánh nói thêm rằng tuy vậy môi trường làm việc đã dễ dàng hơn trước nhiều và chính sách của Việt Nam cũng đã rõ rệt hơn trước.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Bộ Trưởng Gutierrez nói ông tin rằng hạ tầng cơ sở sẽ phát triển song song với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Bộ Trưởng Gutierrez: “Kinh tế phát triển thì thị trường sẽ là yếu tố thúc đẩy các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Xuất khẩu tăng, thì phải xây thêm bến cảng, đường xá. Đó chính là điểm tích cực của cơ chế thị trường, sự phát triển của thị trường sẽ đẩy mạnh các công trình xây dựng hạ tầng.”
Ông Gutierrez nói ông hy vọng sẽ có một khái niệm rõ rệt hơn sau chuyến đi Việt Nam, sau khi đã nói chuyện với các quan chức Việt Nam để tìm hiểu Hà Nội có những kế hoạch nào để phát triển hạ tầng cơ sở.
Bộ Trưởng Gutierrez: “Hạ tầng cơ sở chủ yếu phục vụ cho lợi ích của Việt Nam, bởi vì càng có nhiều cơ sở hạ tầng, thì Việt Nam càng thu hút được nhiều đầu tư, đầu tư càng hữu hiệu hơn, và như thế sẽ kiến tạo được nhiều công ăn việc làm hơn, có lợi cho đất nước và nhân dân Việt Nam.”
Nhưng kinh tế phát triển thì khả năng xảy ra các cuộc tranh chấp với các nước bạn hàng cũng tăng. Ông Nguyễn Quốc Khải, một cựu chuyên viên Ngân Hàng Thế Giới, từng giảng dạy tại Đại Học John Hopkins ở thủ đô Washington, giải thích về những tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Giáo Sư Khải: “Cái biện pháp mà người Mỹ họ gọi là anti-dumping đó, tiếng Việt mình gọi là chống bán phá giá, việc này xảy ra khi mà một công ty ngoại quốc xuất cảng hàng sang một nước nhập cảng và bán hàng của họ dưới giá sản xuất hoặc là dưới giá trung bình tại quốc gia xuất cảng. Việt Nam đã có kinh nghiệm với Hoa Kỳ về 3 trường hợp bán phá giá, vụ cá tra, basa đó vào năm 2003, rồi tôm năm 2004, và mới đây thì vấn đề quần áo. Trong vài năm vừa qua thì mình đã có kinh nghiệm ấy 3 lần. Theo tôi, Việt Nam sẽ bị tiếp tục đe dọa bởi những biện pháp chống phá giá không những của Hoa Kỳ, mà còn của các nước Âu Châu, cả Úc Châu nữa trong vòng 12 năm tới vì Việt Nam là một nước không có cái nền kinh tế thị trường tự do, thành ra biện pháp chống phá giá của Hoa Kỳ nó sẽ được áp dụng rất là tùy tiện. Do đó mà những nước mà không có kinh tế tự do đó thì rất là thiệt thòi là bởi vì họ muốn dùng cái công thức nào thì họ dùng để mà họ làm cho cái giá của mình thấp xuống thì là tự nhiên là bị kết tội là bán phá giá, thí dụ như cái vụ cá basa hay tôm chẳng hạn.”
Hoa Kỳ giờ đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và đứng đầu trong 5 món hàng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ là hàng dệt may và vải sợi. Mặc dù Bộ Thương Mại Hoa Kỳ hồi cuối tháng 10, tuyên bố không tìm thấy chứng cớ cho thấy Việt Nam bán phá giá hàng dệt may và vải sợi trên thị trường Mỹ, các quan chức Việt Nam cho rằng việc Washington tiếp tục áp dụng biện pháp giám sát hàng dệt May Việt Nam nhậ vào Hoa Kỳ là không công bằng, và tìm cách vận động để Washington hủy bỏ cơ chế này. Trả lời đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ nói cơ chế này đã không ảnh hưởng tới sự phát triển của hàng xuất khẩu Việt Nam, và sẽ được duy trì cho tới cuối nhiệm kỳ Tổng Thống Bush theo tinh thần của một thỏa thuận giữa chính phủ Tổng Thống Bush với Quốc Hội Mỹ.
Bộ Trưởng Gutierrez: “Thỏa thuận mà chúng tôi đạt được với Quốc Hội khi Việt Nam gia nhập WTO là hệ thống giám sát hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được duy trì cho tới cuối nhiệm kỳ Tổng Thống Bush. Hệ thống này không có tác động gì đến các giao dịch thương mại và hàng xuất khẩu của Việt Nam, và cũng không nhắm mục đích tác động đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là sự gia tăng mạnh của hàng dệt may mà Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Việt Nam để bảo đảm tiến trình này được minh bạch.”
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn: