Đường dẫn truy cập

UNICEF: Trẻ em ở các nước thuộc liên bang Xô viết cũ thất học


Một bản phúc trình mới đưa ra tại Geneva cho thấy hàng triệu trẻ em ở Trung và Đông Âu và các nước Liên bang Xô viết cũ đã bị thất học. Quỹ Nhi đồng của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng một đội ngũ lao động thất học với số lượng lớn sẽ làm cản trở sự tăng trưởng kinh tế, và làm cho các quốc gia này trở nên ít có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bản phúc trình viện dẫn hệ thống giáo dục là nạn nhân lớn của thời quá độ từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tư bản tại các nước thuộc Liên bang Xô viết cũ. Bản phúc trình này nói rằng những quốc gia này đã có một nền giáo dục phổ cập dưới thời chủ nghĩa cộng sản, nhưng hiện nay thì đã thay đổi.

Quỹ Nhi đồng của Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng có trên 14 triệu trẻ em trong khắp khu vực này không được tới trường. Trong số này có cả hai triệu rưỡi trẻ em ở bậc tiểu học bỏ học giữa chừng.

Bản phúc trình này nói rằng tỉ lệ trẻ đến trường ở nước cộng hòa Georgia, Moldova, và Tajikistan thấp đến mức khó lòng đáp ứng được mục tiêu phát triển trong thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đề ra để đạt được nền giáo dục phổ cập ở bậc tiểu học trước năm 2014.

Điều phối viên của cuộc khảo cứu này, ông Philippe Testor nói rằng trẻ em con cái của các gia đình giàu có và được đi học nhiều hơn thì được hưởng lợi ích của hệ thống giáo dục công lập.

Tuy nhiên, ông này nói rằng con em của các gia đình nghèo hơn thì không được hưởng lợi ích đó, mặc dù trường học tại hầu hết các quốc gia này là miễn phí về mặt chính thức.

Ông Testor nói:“Tuy nhiên, một số các dịch vụ giáo dục trước đây cung cấp miễn phí - những bữa ăn trong trường, y tế học đường, chuyên chở - tất cả những dịch vụ này đã bị cắt giảm kể từ thời quá độ. Và trên thực tế đã tạo ra một mớ những chi phí không tên tuổi.”

Ông Testor nói rằng các gia đình nghèo không thể có điều kiện trang trải các chi phí không tên này. Ông này cũng nói thêm rằng hầu hết các trường được xây dựng ở vùng thành thị nơi các gia đình giàu có thường sinh sống, chứ không phải ở các vùng nông thôn nghèo khó.

Giám đốc khu vực Trung và Đông Châu Âu của Quỹ Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc, bà Maria Calivis nói rằng mỗi năm có hơn 14 triệu trẻ em bước vào đội ngũ lao động mà không có được trang bị kiến thức giáo dục. Bà này nói rằng khu vực này đứng thứ nhì chỉ sau có Trung đông về mặt đội ngũ lao động trẻ thất nghiệp.

Bà Calivis nói: “Dân số trẻ chắc chắn là một lợi thế để phát huy nền kinh tế. Đó là cũng một bộ máy đằng sau để thúc đẩy một kinh tế đang tìm cách cạnh tranh trên toàn cầu. Càng ngày càng có nhiều chính phủ đặt ưu tiên cạnh tranh về kinh tế phát triển dựa vào đội ngũ lao động lành nghề và có khả năng hơn là dựa vào lao động rẻ tiền.”

Quỹ Nhi đồng của Liên Hiệp Quốc cho hay các nhóm dân tộc ít người, đặc biệt là trẻ em ở Roma, bị phân biệt đối xử trong lãnh vực giáo dục, cũng như các trẻ em khuyết tật. Ở các bậc sơ cấp, tổ chức này nói rằng ít có trẻ em gái hơn là bé trai được đến trường.

Tuy nhiên, nhìn chung cả khu vực thì tổ chức này cho biết số trẻ em gái nhiều hơn trai ở bậc trung học. Bản phúc trình kêu gọi các chính phủ tăng đáng kể ngân sách cho giáo dục từ tỉ lệ 3% GDP lên đến ít nhất là 6%.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG