Đường dẫn truy cập

Bang New York mở rộng vòng tay đón nhận người Miến Điện tỵ nạn


Giống như những người Việt phải bỏ xứ ra đi trước đây, giờ đây một số người thiểu số Miến Điện bỏ nước ra đi tạo nên luồng sóng di dân đông đảo nhất tại Ðông Nam Á. Người ta ước tính có đến 160,000 người sống ở 9 trại tỵ nạn Thái Lan. Ở đó họ chờ được cho đi tái định cư tại một quốc gia thứ ba. Nhiều người trong số này đã đến được Mỹ. Lá Thư Mỹ Quốc và Phương Lan sẽ gửi đến quí thính giả câu chuyện của Kane Farabaugh từ một thị trấn thuộc tiểu bang New York ở đông bắc Hoa Kỳ, nơi đang đón nhận hàng ngàn người Miến Điện tỵ nạn.

Chỉ hai ngày trước khi đặt chân đến nước Mỹ, anh Aye Cha và gia đình vẫn phải sống trong một trại tỵ nạn trong khu vực biên giới Thái-Miến.

Giờ đây thì họ đang có mặt tại tiểu bang New York sau một loạt những chuyện đầu tiên, đó là lần đầu tiên họ được nghỉ tại khách sạn, lần đầu tiên đi máy bay, và giờ đây lần đầu tiên họ tới một quốc gia tây phương.

Họ không nói được tiếng Anh, có rất ít kinh nghiệm về đời sống tại một quốc gia đã phát triển, và họ đặt chân đến đây mà hầu như chẳng có gì ngoài một ít quần áo mang trên người.

Là một người thuộc sắc tộc Karen tại Miến Điện, Aya Cha và gia đình đã sống hầu hết những năm tháng trong cuộc đời ở một ngôi làng miền quê.

Ông Daniel Cribb biết rằng môi trường mới của họ là một tương phản rõ rệt với những gì mà họ đã phải bỏ trốn. Ông cũng là một người thuộc sắc tộc Karen, làm việc cho Trung Tâm Cung Cấp Dịch Vụ cho người tỵ nạn tại Mohawk Valley tại Utica, bang New York. Đây là tổ chức sẽ giúp đỡ những người mới đến trong suốt tiến trình tái định cư của họ.

Ông Cribb nói: "Họ là những con người chất phác,trồng lúa để sống qua ngày. Nhà cửa của họ họ bị binh lính Miến Điện tấn công. Họ sống một cuộc sống đơn giản, hiền hòa nơi làng quê của họ, ấy thế mà vẫn bị tấn công."

Aye Cha và gia đình anh là một thành phần của cộng đồng ngày một đông của người Miến thuộc sắc tộc Karen định cư tại Utica.

Vào tháng 8 năm nay, Trung Tâm Trợ Giúp Người tỵ Nạn tại Mohawk Valley đã giúp tái định cư 119 người Miến, hầu hết thuộc sắc tộc Karen. Cho đến mùa hè sang năm, trung tâm này dự liệu sẽ giúp định cư hơn 1,000 người nữa.

Ông Cribb nói: "Cộng đồng người Karen tại đây lớn hàng thứ nhì tại Hoa Kỳ sau cộng đồng tại St. Paul, bang Minnesota. Tôi nghĩ đây là một nơi tốt đẹp cho những người Karen mới đến."

Nếu mọi chuyện diễn ra xuôi thuận thì trong vòng một năm Aya Cha và gia đình anh sẽ có công ăn việc làm, có đồng ra đồng vào, có đầy đủ thức ăn và một mái nhà để nương náu.

Nhưng đến Mỹ lần đầu tiên, xa rời đất nước Miến Điện và làng quê thân thuộc là một điều rất khó đối với họ.

Ông Cribb nói: "Đặt chân đến nơi này cũng lại là điều vô cùng mới lạ đối với họ, từ xứ sở, ngôn ngữ, bất cứ cái gì cũng hoàn toàn xa lạ. Vì thế tôi cảm thấy như tôi có bổn phận phải giúp đỡ cho họ."

Bắt đầu một cuộc sống mới phải khởi đi ngay từ sinh hoạt trong gia đình.
Giám đốc trung tâm trợ giúp người tỵ nạn, ông Peter Vogelaar cho biết nhiều người Karen đến Utica là để đoàn tụ với đại gia đình của họ tại đây.

Ông Vogelaar nói: "Cơ cấu đại gia đình giúp tạo được một môi trường để giúp đỡ lẫn nhau, giúp họ thành công trong kinh nghiệm hội nhập và để giúp họ thành đạt được nhiều thành công."

Học tiếng Anh là 1 giai đoạn kế tiếp trong tiến trình hội nhập. Những lớp học Anh ngữ tại Trung Tâm Giúp Đỡ Người Tỵ Nạn có thể kéo dài nhiều tháng, và có khi nhiều năm.

Trung Tâm này cũng cung cấp cho người tỵ nạn những thứ khác mà họ cần, như chăm sóc y tế, công ăn việc làm và nhà ở.

Nhưng ngay cả vơiù chút vốn liếng Anh ngữ và được giúp đỡ, việc chuyển tiếp sang một đời sống mới quả là khó khăn.

Vợ của anh Aye Cha, chị PuayPaw, là người vẫn quen với việc chợ búa, nấu nướng cho gia đìn. Trên quãng đường đi từ phi trường tới nơi ở mới tại Utica, chị có sẵn một loạt câu hỏi dành cho ông Cribb.

Ông Cribb nói: "Bà ấy hỏi tôi là 'Làm sao mà tôi có thể đi chợ mua thức ăn cho gia đình?' Những chuyện thật đơn giản. Tôi nghĩ rằng họ biết là sẽ còn nhiều thử thách hơn trước mắt.

Aye Cha và gia đình anh sẽ không phải đơn thương độc mã đối phó với những thử thách đó. Họ sẽ có sự hỗ trợ cuả một cộng đồng ngày càng lớn, gồm những người giống như họ đã phải chạy trốn khỏi những áp bức tại Miến Điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG