Đường dẫn truy cập

Bộ Trưởng Thương Mại Gutierrez nói về quan hệ mậu dịch Mỹ-Việt


Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ Carlos Gutierrez, một nhân vật then chốt trong toán chuyên viên kinh tế của tổng thống Bush, đã ấn định thời biểu cho phái bộ phát triển doanh thương của ông sang Việt Nam vào thượng tuần tháng 11. Với việc giao thương đang phát triển mạnh giữa hai quốc gia từng có thời thù nghịch với nhau, ưu tiên hàng đầu cho những người Mỹ trong phái bộ này là tìm mọi cách vận động Việt Nam mở rộng thị trường hơn nữa để đón nhận thêm hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Mức xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam vẫn thua xa số hàng hóa của Việt Nam bán sang Hoa Kỳ. Trưởng ban Việt Ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Michael Mathes đã nói chuyện với bộ trưởng thương mại Gutierrez và có bài tường trình như sau:

Washington gọi đây là phái bộ phát triển thương mại cấp bộ trưởng đầu tiên đến Việt Nam. Bộ Trưởng Thương Mại Gutierrez nói với đài VOA rằng ông sẽ đưa các giới chức thương mại cao cấp đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cùng với một phái đoàn chừng 25 giám đốc điều hành của các công ty để tìm cách gia tăng hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam, một trong những quốc gia có nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á.

Ông Gutierrez nói: "Chúng tôi sẽ theo dõi một số những chuyện còn đang dở dang, nhưng điều quan trọng là một phái đoàn doanh nhân sẽ cùng đi với chúng tôi mà mục đích là để giới thiệu họ với các doanh nhân ở địa phương và hy vọng sẽ tìm được một số đối tác mới."

Với sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa giao thương, và Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 trong tổ chức Thương Mại Thế Giới trong năm qua, các công ty Hoa Kỳ đã xem Việt Nam như là một thị trường quan trọng về xuất khẩu và đầu tư. Vì đòi hỏi của qui chế thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và những cam kết trong khu vực tự do mậu dịch, Hà Nội đã bắt đầu cắt giảm mức thuế quan áp dụng cho hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu, từ nông phẩm cho đến xe hơi. Nhưng những vấn đề như tính minh bạch, pháp quyền và quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục gây bực bội cho một số công ty Hoa Kỳ muốn làm ăn ở Đông Nam Á.

Đạo luật số 50 về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có hiệu lực từ năm 2006, nhưng Washington đã coi những luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam vẫn còn “ thiếu sót” trong những lãnh vực quan yếu, gồm cả việc không xếp vào tội hình sự tất cả mọi vi phạm bản quyền trong lãnh vực thương mại, và không bao gồm quyền nhập khẩu và bảo vệ tác quyền cho những phim ảnh và băng đĩa nhạc.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và mối quan hệ này vô cùng quan yếu cho nền thương mại của Việt Nam. Mặc dù, con số thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng lên đến 6 tỉ 400 triệu đô la trong 8 tháng đầu năm nay, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì số thặng dư mậu dịch rất lớn trong việc buôn bán với Hoa Kỳ.

Kể từ khi ký kết hiệp định thương mại song phương vào năm 2001, công cuộc giao thương 2 chiều đã tăng vọt, từ 1 tỉ 500 triệu đô la lên đến 9 tỉ 700 triệu đô la trong năm 2006. Tuy nhiên trong số đó Việt Nam đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ một số lượng hàng trị giá đến 8,6 tỉ đô la, trong khi chỉ nhập khẩu 1,1 tỉ đô la hàng hóa của Mỹ.

Ông Gutierrez đã hạ giảm tầm quan trọng của sự thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Việt Nam:

"Đó là sự vận hành của thị trường, và bao lâu mà các doanh nghiệp và những người tiêu dùng của chúng ta còn mua những gì mà họ cần thì điều đó vẫn còn xảy ra. Các doanh nghiệp của chúng có thể tự do tiến vào thị trường Việt Nam, đó là tất cả những gì mà chúng ta đòi hỏi, và chúng ta có thể tiến vào thị trường Việt Nam cũng nhiều như Việt Nam có thể tiến vào thị trường Hoa Kỳ. Và sau đó mới thật sự là một thị trường có tính cách quyết định."

Washington đã đưa ra nhiều sáng kiến với hy vọng sẽ có thể giúp cân bằng những con số chênh lệch này, trong đó có Hiệp Ước Khung về Thương Mại và Đầu Tư, được ký kết trong tháng 6.

Washington cũng đã khiến cho các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam thất vọng khi Hoa Kỳ thực hiện một cơ cấu theo dõi các hoạt động xuất khẩu ào ạt các loại áo quần và hàng dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Theo các con số do các cơ quan truyền thông Nhà Nước Việt Nam đưa ra thì tổng số áo quần và hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu đã lên đến 5 tỉ 100 triệu đô la trong 8 tháng đầu của năm nay, tức là tăng 30% mỗi năm. Hầu hết số hàng này đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG