Đường dẫn truy cập

Thái Lan bãi bỏ lệnh cấm đối với YouTube


Chính phủ lâm thời Thái Lan vừa dỡ bỏ lệnh cấm đối với dịch vụ chia sẻ video trên Internet YouTube, sau khi dịch vụ này đồng ý kiểm duyệt nội dung. Dịch vụ này đã bị chặn lại cách đây 5 tháng sau khi đưa lên cái mà chính quyền Thái Lan nói là xúc phạm đến quốc vương Thái Lan.

Cách đây 5 tháng, chính phủ đã cấm dịch vụ của trang web YouTube, khi một người sử dụng giấu tên đưa lên hình ảnh của quốc vương Thái Lan đáng kính với bức ảnh đôi chân của một người. Điều này là xúc phạm vì trong văn hoá Thái Lan, đôi chân được xem như phần cơ thể thấp hèn và dơ bẩn nhất.

Vào hôm thứ sáu, Bộ trưởng thông tin thông báo lệnh cấm đã được bãi bỏ như là một động tác cho thấy chính phủ cam kết với việc tự do ngôn luận. Các giới chức nói rằng trang web này có thể truy cập lại được ở Thái lan sau khi YouTube đồng ý lọc ra những tài liệu có tính chất xúc phạm trong nội dung.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm này thu hút sự phản ứng cẩn trọng từ những người ủng hộ cải tổ truyền thông như bà Supinya Klangnarong của tổ chức thực hiện Chiến dịch Cải tổ truyền thông đại chúng tại Bangkok. Bà cáo buộc chính phủ trong việc làm xói mòn sự tự do thể hiện ý kiến.

Bà nói quyết định về vấn đề YouTube chỉ là sự cải thiện bề mặt mà thôi.

“Có vẻ như đó là một tin tốt lành, nhưng thực sự thì không phải là như vậy, bởi vì mặc dù hiện nay YouTube sẽ không bị chặn nữa thì điều này cũng đi kèm với nhiều điều kiện khác. Điều này cho thấy rằng hiện nay chính phủ có thể thương lượng được với YouTube là họ sẽ chặn các trang web mà họ cho là không thích hợp một cách có chọn lọc. Như vậy là chúng ta lại thấy điều này một lần nữa, chính phủ vẫn có thẩm quyền chặn một số trang web với nhiều cách thẩm định mà công chúng sẽ không biết thực sự những điều kiện để một trang web bị khóa là gì.”

Một chính phủ lâm thời do quân đội thiết lập đang cầm quyền tại Thái Lan, kể từ cuộc lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Sinawatra trong một cuộc nổi dậy táo bạo cách đây gần 1 năm. Bầu cử theo kế hoạch sẽ là vào tháng 12 sau khi người dân Thái thông qua một bản dự thảo hiến pháp do hội đồng do quân đội bổ nhiệm đề ra.

Dự thảo này đảm bảo quyền tự do thể hiện ý kiến, tuy nhiên bà Supinya cho biết cách giải thích về luật của chính phủ có thể có nghĩa là vẫn tiếp tục những hạn chế đối với truyền thông.

Bà Supinya nói: “Những lý do mà chính phủ luôn luôn nói với công chúng là tại sao họ phải chặn các trang web là bởi vì nội dung những trang này chống lại Quốc vương hoặc chống lại chế độ quân chủ, hoặc an ninh nhà nước, hoặc mang tính khiêu dâm, và những lý do này có vẻ rất thuyết phục đối với công chúng Thái. Vì thế tôi nghĩ là rất khó để bảo vệ được tự do ngôn luận, tự do thể hiện ý kiến ở Thái Lan, đặc biệt là dưới một chế độ cầm quyền như thế này.”

Tổ chức cải tổ truyền thông này nhấn mạnh rằng họ không ủng hộ những lời chỉ trích đối với quốc vương, người đã có được uy tín rộng rãi do việc ủng hộ phúc lợi nông thôn. Nền quân chủ đã mất hoàn toàn quyền lực tại Thái Lan kể từ năm 1932.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG