Đường dẫn truy cập

Câu chuyện Leatherman: Kiên Tất Thắng


Ở nước Mỹ, có rất nhiều gương thành công nhờ sự nhẫn nại và kiên trì, và không thiếu gì những người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng để trở thành triệu phú. Câu chuyện Phụ nữ hôm nay giới thiệu một trong những tấm gương này, vì nhân vật chính có đôi chút liên quan đến Việt Nam, và đã đạt được thành công nhờ sự khích lệ của một người phụ nữ Việt Nam trong vai trò một người vợ đảm đang và một người mẹ hiền.

Ông Tim Leatherman, năm nay 59 tuổi, là tác giả của Leatherman Tool, một dụng cụ đa dụng, rất phổ biến với những người thích sửa chữa lấy những đồ đạc từ xe hơi cho đến các món vật dụng thường ngày, mà không cần đến những đồ nghề cồng kềnh chuyên nghiệp. Sản phẩm đầu tiên của Leatherman mang tên là Pocket Survival Tool – còn gọi tắt là PST, và có nghĩa là dụng cụ bỏ túi để sống còn, được thai nghén từ một chuyến đi du lịch với ngân sách eo hẹp của vợ chồng ông Tim Leatherman:

“Khái niệm của Leatherman Tool khởi đầu vào năm 1975, khi vợ chồng tôi đi du lịch Châu Âu. Khi đó chúng tôi còn trẻ và không có nhiều tiền. Chúng tôi đến Amsterdam và mua một chiếc xe cũ với giá 300 đôla, và ở trong những khách sạn rẻ tiền. Tôi mang theo một con dao bỏ túi, và con dao này tỏ ra cũng khá tiện dụng, nhưng thỉnh thoảng tôi thấy cần đến một cái kìm để sửa xe, và ống nước trong khách sạn. Thế là tôi nẩy ra ý định làm một con dao có kèm theo một cái kìm.”

Ông Tim Leatherman cho biết khi trở về nhà, ông bắt đầu nghĩ cách chế ra mẫu cho sản phẩm mà ông nghĩ đến trong đầu.

Thoạt tiên, ông nghĩ chắc chỉ mất chừng một tháng, nhưng không dè, thời gian để đi tới cái mẫu sản phẩm đó đã kéo dài tới 8 năm. Và người đã khích lệ ông trong giai đoạn khó khăn nhất này là vợ ông, bà Châu Leatherman.

Nhờ sự hỗ trợ đó, mà ông đã miệt mài suốt 3 năm trong nhà chứa xe để làm ra một dụng cụ mà ông thích, và phải mất 5 năm nữa, mới tìm được khách hàng và đưa ra một sản phẩm được công chúng thích dùng. Cuối cùng, vào năm 1983, là lúc ông tìm được một người hợp tác, và điều may mắn là thân phụ của người này lại ở trong nghề kim khí, đã giúp dọn các dụng cụ trong nhà chứa xe sang xưởng của ông ấy, và đã cho mượn máy móc và nhân viên để bắt đầu chế tạo sản phẩm.

Ông Tim Leatherman nói trong giai đoạn đầu, mọi thứ đều làm bằng tay và chỉ có 2 nhân viên làm việc với các dụng cụ thô sơ, nhưng ngay từ lúc đó, thành phẩm của ông cũng có chất lượng rất cao. Ông kể tiếp:

“Công ty đã tăng trưởng rất nhanh từ năm đầu sản xuất 4,000 sản phẩm một năm cho đến 12 năm sau đã sản xuất và bán được 1 triệu sản phẩm một năm. Nhà máy đã tăng diện tích từ 1,000 bộ vuông cho đến 100,000 bộ vuông. Nhà máy tuyển dụng hơn 300 nhân viên, trong đó khoảng từ 10% đến 15% công nhân người Việt.

Sản phẩm khai triển từ PST hiện bán chạy nhất của công ty Leatherman có tên là The Charge. Dụng cụ làm bằng một loại thép đặc biệt có độ bền rất cao chứa các thiết bị cơ bản cho việc sửa chữa, như một lưỡi dao kèm theo dũa có nạm kim cương để tăng độ sắc, một cái kéo, hai loại lưỡi cưa có thể cắt dây thừng và kim loại, một cái vặn ốc có thể thay thế các đầu khác nhau, dụng cụ mở nút chai và lon, tất cả có thể xếp lại gọn nhẹ và có bao da để đeo vào thắt lưng.

Ông Leatherman cho biết dụng cụ này có tổng cộng 30 bộ phận khác nhau và cần đến gần 200 công đoạn để hoàn thành sản phẩm. Các công đoạn được thực hiện bằng phương pháp dây chuyền và có nhiều công đoạn được tiến hành bằng người máy rô-bô.

Ngoài sản phẩm chính này, công ty hiện còn sản xuất khoảng 15 loại dụng cụ từ dao bỏ túi cho đến kìm cắt cây và các loại dụng cụ đa dụng. Ngoài sự cạnh tranh của các công ty sản xuất các dụng cụ tương tự, các dụng cụ Leatherman cũng chịu số phận bị nhái hàng, nhiều nhất từ Trung Quốc, nhưng ông Leatherman nói chỉ có cách kiện các công ty Mỹ mua những món hàng vi phạm tác quyền sản phẩm mới nhất của Leatherman. Cũng theo ông Leatherman thì ngay từ đầu ông đã nghĩ đến việc xuất khẩu ra nước ngoài; phần lớn các công ty ngoại quốc tìm và đặt mua sản phẩm của ông, và hiện nay các sản phẩm Leatherman có mặt trên thị trường ở hơn 70 nước trên khắp thế giới.

Ông lấy vợ Việt Nam, đã có thời gian sống ở Việt Nam, ông có ý định trở lại Việt Nam một lần nữa và đưa sản phẩm của ông vào thị trường Việt Nam hay không?

Ông Leatherman nói: “Vâng, tôi đã sống ở Việt Nam 2 năm rưỡi, nhưng không nói tiếng Việt giỏi lắm. Tôi đã trở lại Việt Nam năm 1987, nay cũng đã hơn 20 năm rồi, nhưng tôi rất muốn trở lại Việt Nam, một đất nước xinh đẹp và người dân rất dễ thương. Tôi rất muốn đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam và đang đi tìm một hãng phân phối.”

Ông bà Leatherman chỉ có một người con trai năm nay 26 tuổi, nhưng đã gặp nhiều khó khăn khi cháu được phát hiện bị chứng bệnh nan y là ung thư máu lúc được 2 tuổi rưỡi. Bà Châu Leatherman kể lại giai đoạn này.

Bà Châu Leatherman cho biết thêm là ông bà đã gặp nhau khi bà đi du học ở tiểu bang Oregon vào thập niên 1970 và khi bà học xong thì ông Tim Leatherman đã theo bà về nước và hai người thành hôn ở Việt Nam. Hai vợ chồng ông Tim Leatherman rời khỏi Việt Nam năm 1975 và hiện đang sống ở thành phố Portland trong tiểu bang Oregon, nơi ông sinh trưởng. Ông Leatherman là một người rất hiền hòa, và sống vô cùng bình dị. Nay đã về hưu nhưng vẫn giữ chức chủ tịch công ty, ông lái một chiếc xe Nissan cũ mà ông đã đi từ mấy chục năm nay, và nhân viên làm việc trong xưởng đều yêu mến ông vì phong cách rất gần gũi với họ.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống bài phỏng vấn do Minh Phượng thực hiện:



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG