Đường dẫn truy cập

Thái Lan muốn tăng cường quan hệ với các nước Hồi giáo


Chính phủ Thái Lan đang ra sức tăng cường quan hệ với các quốc gia Hồi giáo với hy vọng chấm dứt những vụ bạo động đòi ly khai ở 3 tỉnh cực nam. Kế hoạch vận động ngoại giao này được loan báo trong lúc đã có ít nhất 13 người thiệt mạng ở khu vực này trong mấy ngày vừa qua trong những vụ nổ bom và nổ súng.

Một bản báo cáo an ninh do nội các Thái Lan công bố hồi đầu tuần này cho biết rằng chính phủ sẽ ra sức thắt chặt các mối quan hệ với các nước Hồi giáo, đặc biệt là hai nước Indonesia và Malaysia. Báo cáo vừa kể là một phần của bản dự thảo về chính sách ngoại giao, và có nói thêm rằng những mối liên hệ gần gũi hơn cũng sẽ được xây dựng với các tổ chức quốc tế của người Hồi giáo.

Hồi đầu tuần này, quân đội Thái Lan cho biết: trong những cuộc bố ráp mới đây ở các tỉnh Narathiwat, Yala, và Pattani, họ đã câu lưu hơn 1,900 người bị nghi là các phần tử hiếu chiến. Họ cho biết thêm rằng trong số những người bị bắt, có khoảng 300 người là những thành phần thuộc loại "cầm đầu", chuyên giám sát và lập kế hoạch cho những vụ tấn công.

Các nhà phân tích cho rằng: những hành động vừa kể của giới hữu trách ở Bangkok được thực hiện trong khuôn khổ của một sách lược hai gọng kềm nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy ở ba tỉnh giáp ranh với Malaysia -- là nước mà đại đa số cư dân là người theo đạo Hồi. Bạo động ở 3 tỉnh cực nam Thái Lan đã gây tử vong cho gần 2 ngàn 500 người kể từ năm 2004.

Ông Panitan Wattanayagorn, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng chiến lược vừa kể có mục đích giúp cho chính phủ Thái Lan biết rõ hơn về sự trợ giúp mà các phần tử đòi ly khai nhận được từ nước ngoài:

Ông Panitan nói: "Lâu nay người ta vẫn biết là mạng lưới của các phần tử đòi ly khai ở miền Nam có liên hệ với những tổ chức ở nước ngoài. Một sách lược khác của chính phủ là chủ động giao tiếp với các quốc gia đó -- với những tổ chức và cá nhân ở các quốc gia đó, để tìm hiểu sự việc và để mưu tìm sự hợp tác và giúp đỡ ngõ hầu có thể hạn chế hoặc cắt đứt các mối liên hệ của phe nổi dậy."

Ông Nitti Hassan là người giữ chức chủ tịch của Hội đồng Các Tổ chức Hồi giáo Thái Lan. Ông cho biết rằng chính phủ đang ra sức tìm kiếm sự giúp đỡ của thế giới Hồi giáo:

"Chính phủ đang mong chờ sự giúp đỡ của các nước và các lãnh tụ Hồi giáo để giải quyết vấn đề hiện nay ở vùng cực Nam. Họ nghĩ rằng các phần tử nổi dậy có thể chịu ảnh hưởng từ các nước Hồi giáo. Vì vậy chính phủ đã gởi lời mời đến các lãnh tụ tôn giáo ở Ai Cập, Ả rập Saudi, Indonesia và Malaysia."

Trước đây, chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Malaysia trợ giúp để mở một cuộc đối thoại với các lãnh tụ của phe đòi ly khai. Các nguồn tin trong giới tình báo Thái Lan cho biết những nỗ lực tương tự cũng sẽ được thực hiện trong tháng này.

Hiện giờ, người ta chưa biết nhiều về các phần tử chủ chiến. Một nhóm có tên Barisan Revolusi Nasional có liên hệ với Lực lượng Biệt kích RKK. Hai nhóm này đòi thành lập một quốc gia riêng cho 3 tỉnh miền nam Thái Lan, vốn là một tiểu vương quốc Hồi giáo tự trị của người gốc Mã Lai mà Thái Lan đã sáp nhập cách nay 100 năm. Các nguồn tin tình báo cho biết Lực lượng Biệt kích RKK có khoảng 2 ngàn tay súng và có liên hệ với các trường tư thục Hồi giáo.

Tuy nhiên, chưa có tổ chức đòi ly khai nào đưa ra tuyên cáo chính thức, và những vụ bạo động phần lớn là những vụ nổ bom và nổ súng lẻ tẻ. Mục tiêu bị tấn công gồm cả những người Hồi giáo lẫn những người theo đạo Phật.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG