Các nhà khoa học Hoa Kỳ nói rằng những đám mây mù do con người tạo ra bao phủ phía Đông và phía Nam Châu Á khiến lớp băng trên rặng núi Himalaya bị tan nhanh hơn. Phái viên Heda Bayron của Đài VOA tại Văn phòng Tin tức Châu Á ở Hong Kong có thêm các chi tiết trong bài tường trình sau đây:
Một toán chuyên của Viện Hải dương học Scripps tại California đã dùng một máy bay không người lái để đo lường sức nóng trong bầu khí quyển trên vùng biển Ấn Độ Dương, một phần của Châu Á thường bị bao phủ bởi những đám mây xám phát sinh từ hoạt động gây ô nhiễm của con người. Những đám mây xám này làm nguội phần mặt đất hoặc biển phía dưới bởi vì nó che chắn ánh sáng của mặt trời, không cho rọi xuống phần đất bên dưới.
Tuy nhiên, cho đến bây giờ người ta mới được biết đôi chút về tác động của những đám mây này đối với bầu không khí ngay xung quanh nó. Toán nghiên cứu của Viện Scripps đã khám phá rằng những đám mây xám đã làm tăng sức nóng của lớp không khí chung quanh nó vào khoảng 50%. Toán nghiên cứu này cho biết: mức nhiệt độ gia tăng mà người ta cho là đã làm tan những lớp băng trên dãy Himalaya có đến phân nửa là do những đám mây xám này tạo ra.
Ông V. Ramanathan là khoa học gia trưởng của toán nghiên cứu. Ông nói rằng:
“Điều chúng tôi đã phát hiện được từ sự đo lường của chúng tôi là đám mây xám hấp thụ nhiều tia nắng mặt trời và góp phần làm cho không khí nóng lên. Chúng tôi đưa những số liệu này vào một mô hình khí hậu và mô hình này cho thấy rằng sức nóng mặt trời của đám mây xám đã góp phần làm tan băng.”
Những đám mây xám được cấu thành từ những hạt li ti còn được gọi là aerosol xuất phát phần lớn từ những đám cháy rừng, khí thải công nghiệp, khói xe, và việc sử dụng củi hay phân trâu bò để làm nhiên liệu đun nấu trong nhiều hộ gia đình tại các nước đang phát triển ở Châu Á.
Ông V. Ramanathan nói: “Thành phần chính của các đám mây này là khói -- khói mang theo những loại phân tử này và rồi những trận gió trong bầu khí quyển thổi chúng đi nơi khác. Dựa trên dữ liệu do vệ tinh thu thập, chúng tôi thấy được là đám mây xám bao phủ toàn bộ khu vực phiá Nam và phía Đông Châu Á, và vượt qua đại dương. Các đám mây này bắt lấy ánh sáng mặt trời và làm thay đổi khí hậu.”
Các chuyên gia nói rằng sự mất mát của những khối băng trên dãi Hymalaya có thể gây ra tình trạng thiếu nước cho hàng triệu người ở Châu Á. Những lớp băng của cao nguyên Tây tạng là nguồn nước chính củûa những con sông lớn trong khu vực này như: sông Hoàng Hà của Trung Quốc, sông Mekông ở Đông Nam Á, và sông Hằng ở Ấn Ðộ.
Hồi tháng 5, tổ chức Hòa Bình Xanh ở Trung Quốc cho hay rằng đỉnh Everest đã nóng dần lên với tốc độ cao gấp 3 lần tốc độ trung bình trên thế giới. Một vài khoa học gia nói rằng với tốc độ hiện nay, những khối băng trên dãi Hymalaya có thể sẽ biến mất trước năm 2035.
Ông Ramanathan nói rằng có một cách để làm giảm bớt những đám mây xám là bắt đầu sử dụng nồi cơm điện chạy bằng năng lượng mặt trời tại hàng triệu hộ gia đình ở Châu Á.