Đường dẫn truy cập

Đài Loan Kỷ Niệm 20 Năm Ngày Thu Hồi Lệnh Thiết Quân Luật


Ngày 15 tháng 7 năm 1987, Tổng thống Đài Loan lúc đó là ông Tưởng Kinh Quốc đã quyết định thu hồi lệnh thiết quân luật để chấm dứt những biện pháp hạn chế do thân phụ ông, là ông Tưởng Giới Thạch, khởi xướng và được áp dụng trong hơn 40 năm. Từ Đài bắc, thông tín viên Jacques van Wersch của đài VOA có bài tường thuật do Duy Ái trình bày sau đây, nhân dịp kỷ niệm 20 năm của diễn tiến quan trọng này.

Các lực lượng của Quốc Dân Đảng - do ông Tưởng Giới Thạch lãnh đạo, đã nắm quyền cai trị Đài Loan sau khi Nhật bản từ bỏ chủ quyền đối với đảo quốc này vào cuối thế chiến thứ hai. Không lâu sau đó, việc duy trì trật tự xã hội ở đây đã trở thành một vấn đề gay go.

Theo nhận định của ông Thang Hỏa Thánh -- một vị dân biểu thuộc đảng Dân Tiến đương quyền, thì phe Quốc Dân Đảng đã phá vỡ tình trạng cân bằng hài hòa của thời Nhật bản cai trị Đài Loan.

Ông Thang nói: "Thời đó có rất ít trộm cắp. Khi ra khỏi nhà, chúng tôi không hề phải đóng cửa. Nhưng sau khi phe Quốc Dân Đảng tới đây, họ đã phá hoại rất nhiều các kết cấu hạ tầng xã hội. Đó chính là lý do vì sao họ lại cần tới thiết quân luật để cai trị dân chúng."

Kể từ khi phe Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan sau khi bị phe Cộng Sản đánh bại ở Hoa Lục vào năm 1949, đảo quốc này được cai trị một cách riêng rẽ với phần còn lại của Trung quốc. Hàng trăm ngàn binh sĩ và viên chức chính phủ của Quốc Dân Đảng đã cùng với gia quyến của họ đến định cư ở Đài Loan.

Dân biểu Thang Hỏa Thánh nói rằng: dưới thời thiết quân luật mà dân chúng ở đây gọi là "thời kỳ giới nghiêm", sự kiểm soát của chính phủ thâm nhập vào mọi khía cạnh của sinh hoạt xã hội. Ông cho biết: thời đó ông không hề cảm thấy được tự do, thoải mái và lúc nào ông cũng trông mong giới hữu trách thu hồi lệnh thiết quân luật.

Ông Trần Tích Phiên là người từng giữ chức Trưởng phòng Liên lạc của Đài Loan ở Washington, một chức vụ tương đương với chức đại sứ. Ông cho rằng hiện nay có quá nhiều người đã chỉ trích chính quyền Quốc Dân Đảng một cách cẩu thả mà không suy xét tới bối cảnh của thời bấy giờ.

Ông Trần nói: "Trước tiên, tôi phải nói rằng việc ban hành lệnh giới nghiêm là một việc không tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nêu lên một câu hỏi là "phải chăng đó là một việc vạn bất đắc dĩ, hay là một "điều xấu cần thiết"? Theo tôi thì chính phủ thời đó đã phải áp dụng những biện pháp mạnh tay để có thể ngăn chận sự bành trướng của phe Cộng Sản và để bảo vệ cho Trung hoa Dân quốc."

Theo ông Trần Tích Phiên, hoàn toàn loại bỏ ngay tức khắc lệnh giới nghiêm một khi mối đe doạ của Trung quốc được giảm thiểu là một hành động vô trách nhiệm. Ông Trần Tích Phiên nói rằng những gì mà ông Tưởng Giới Thạch và con ông là ông Tưởng Kinh Quốc đã làm là chuẩn bị thật chu đáo cho Đài Loan tiến tới dân chủ. Ông nói thêm rằng hai nhà lãnh đạo này đã bắt đầu quá trình dân chủ hóa với việc thực thi cải cách ruộng đất, tổ chức bầu cử cấp địa phương, thi hành chính sách giáo dục cưỡng bách, và tuyển dụng công chức dựa trên những cuộc thi cử công bằng.

Trong khi sức mạnh quân sự của Đài Loan được củng cố và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, nhiều người ở đây đã cảm thấy bất mãn đối với luật giới nghiêm. Vị Tổng thống hiện nay ở Đài Loan -- ông Trần Thủy Biển, đã bắt đầu xuất hiện trên chính trường khi ông làm luật sư biện hộ cho những nhà hoạt động dân chủ đã tổ chức cuộc biểu tình tuần hành nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế ở thành phố Cao Hùng vào năm 1979. Những người biểu tình và các lực lượng chính phủ đã đụng độ với nhau trong biến cố thường được gọi là "vụ Đảo Mỹ Lệ." Tuy các thân chủ của ông Trần Thủy Biển đã thua trong vụ xét xử dựa theo luật giới nghiêm, nhưng lập luận mà ông đưa ra tại các phiên tòa đã làm xấu đi hình ảnh của chính quyền Đài Loan.

Sự hậu thuẫn của chính phủ Đài Loan cũng đã bị sút giảm nhiều vì những vụ vi phạm nhân quyền. Và dưới những áp lực từ trong nước và ở nước ngoài, rốt cuộc, đảng đối lập đầu tiên ở Đài Loan, là đảng Dân Tiến, đã được thành lập vào năm 1986. Sự ra đời của đảng này trong lúc việc lập đảng bị cấm theo qui định của luật giới nghiêm đã cho mọi người thấy rõ là việc hủy bỏ luật giới nghiêm chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cựu Đại sứ Trần Tích Phiên cho rằng việc hủy bỏ luật giới nghiêm và sự phát triển của chế độ dân chủ ở Đài Loan đã làm thay đổi hình ảnh của đảo quốc này đối với cộng đồng quốc tế và đối với Trung quốc.

Ông Phiên nói: "Dĩ nhiên là nền dân chủ của Đài Loan có thể chưa được kiện toàn bằng các nước khác. Nhưng lúc trước, mỗi khi chúng tôi đến Trung quốc và nói với dân chúng ở đó rằng "các anh nên học theo chúng tôi" thì họ thường bác bỏ ý kiến đó với lập luận cho rằng Đài Loan đã có dân chủ từ rất lâu rồi. Bây giờ, khi chúng tôi chỉ trình bày tình hình của mình mà không tuyên truyền gì cả thì họ không còn có thể bác bỏ được nữa. Vì thật ra nền dân chủ của Đài Loan chỉ hình thành cách đây không lâu lắm."

Phe Quốc Dân Đảng đã bị mất quyền kiểm soát chính phủ khi ông Trần Thủy Biển được bầu làm tổng thống vào năm 2000. Ông Trần được tái đắc cử vào năm 2004, và theo qui định của hiến pháp ông không được tranh cử cho nhiệm kỳ thứ ba.

Giờ đây các chính khách thuộc Quốc Dân Đảng đã bắt đầu vận động cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới, 20 năm sau khi đảng của họ mở đường cho Đài Loan thực thi dân chủ đầy đủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG