Đường dẫn truy cập

Vấn đề thực phẩm bị nhiễm độc và ảnh hưởng đối với giới tiêu thụ


Trong Câu Chuyện Việt Nam tuần này, chúng tôi xin nói về những lo ngại liên quan đến các loại thực phẩm bị nhiễm độc do một vài nước ở Châu Á xuất khẩu, và ảnh hưởng của sự kiện này đối với giới tiêu thụ, chẳng những tại các nước Tây phương mà còn tại nhiều nước ở Châu Á, do Trần Nam ghi nhận qua nhiều nguồn tin khác nhau tại Hoa Kỳ:

Trong thời gian gần đây những lo ngại của thế giới về an toàn thực phẩm trong những hàng hóa của Trung Quốc càng ngày càng gia tăng sau khi các giới chức hữu trách nhận thấy rằng một số sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc có chứa chất độc và hóa chất công nghiệp.

Các mặt hàng do Trung Quốc chế tạo như kem đánh răng đã bị nhiều nước ở Châu Á và Châu Mỹ từ chối vì có chứa những hóa chất có thể gây nguy hại cho sức khỏe hay tử vong cho người sử dụng. Trong khi đó thực phẩm xuất khẩu của Trung Quốc dành cho thú vật nuôi trong nhà cũng đã bị qui trách cho cái chết của một số chó mèo tại Bắc Mỹ sau khi chúng ăn các loại thực phẩm này.

Nhật báo The Washington Post hôm thứ Tư, đã trích dẫn tin tức của cơ quan thông tấn Nhà Nước Trung Quốc nói rằng nhà cầm quyền nước này đã ra lệnh đóng cửa 180 nhà máy sản xuất thực phẩm sau khi các thanh tra viên nhận thấy rằng một số hóa chất công nghiệp đã được sử dụng trong các sản phẩm của họ, từ kẹo bánh cho đến hải sản.

Cũng theo tin truyền thông Nhà Nước Trung Quốc thì lệnh đóng cửa đã được ban hành trong khi nhà cầm quyền địa phương đang thực hiện một chiến dịch kiểm tra trên toàn quốc nhắm vào các sản phẩm kém phẩm chất và nguy hiểm cho sức khỏe, được phát động từ tháng 12 năm ngoái. Trong chiến dịch này, giới hữu trách đã phát hiện được việc sử dụng những thực phẩm củ được tái chế biến hoặc hết hạn.

Nhật báo China Daily, trích dẫn lời ông Hàn Nghị, một giới chức làm việc tại Cơ Quan Quản lý Giám Sát Chất Lượng, Thanh Tra và Kiểm Dịch, tức là nơi có trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm, nói rằng một vài hóa chất như formaldehyde, thuốc nhuộm bất hợp pháp và sáp công nghiệp đã được tìm thấy các sản phẩm như kẹo, bánh lạt, dưa muối, và hải sản. Cũng theo lời giới chức này thì đây không phải là những trường hợp lẻ tẻ.

Theo nhận định của giới phân tích thì sự thú nhận của giới chức có trách nhiệm về an toàn thực phẩm của Trung Quốc là điều quan trọng vì lâu nay cơ quan này vẫn nói rằng những vi phạm về an toàn thực phẩm chỉ là những trường hợp riêng lẻ của một số người bất hảo, và đây là điều mà người ta cho rằng dường như là một phần trong một sách lược nhằm bảo vệ các loại thực phẩm trị giá hàng tỉ đô la mà Trung Quốc xuất khẩu ra các thị trường ở nước ngoài.

Trường hợp mới nhất phản ảnh sự lo ngại về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc đã được nhận thấy qua các tin tức hôm thứ Năm, theo đó các giới chức của FDA, tức là cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, nói rằng họ sẽ ngưng việc nhập khẩu một số hàng thủy sản của Trung Quốc vì lo ngại rằng các loại thủy sản này có chứa những chất kháng sinh có tiềm năng gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu thụ. Các loài thủy sản của Trung Quốc mà Hoa Kỳ dự trù sẽ ngưng nhập khẩu là Catfish, cá Basa, Lương, Tôm, và cá Lăng vì cuộc thử nghiệm cho thấy rằng các loại thủy sản vừa kể có chứa các dược chất không được phép sử dụng cho thủy sản tại Hoa Kỳ.

Theo lời các giới chức của Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ thì hiện nay các loại thủy sản này chưa phải là một mối đe dọa cho sức khỏe của công chúng vì mức độ hóa chất trong sản phẩm tương đối thấp, tuy nhiên việc sử dụng lâu dài có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu thụ.

Những lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ giới hạn tại các nước Tây Phương. Theo tin của hãng thông tấn AP hôm thứ Tư thì những sản phẩm bị nhiễm độc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã gây lo ngại tại hầu hết các nước ở Châu Á, nơi mà việc kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn còn lỏng lẻo và những cái chết vì ngộ độc thực phẩm vẫn thường xảy ra. Thời tiết nóng bức, không có đủ các hệ thống lạnh để dự trữ thực phẩm và nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm rẻ tiền trên đường phố đã khiến cho các con buôn và các nhà sản xuất tìm kiếm những phương cách rẻ tiền và đôi khi nguy hiểm để bảo quản các sản phẩm của họ.

Chẳng hạn như Borax, một loại hóa chất được dùng cho hầu hết mọi thứ, từ bột giặt cho đến các loại kính nhựa, cũng đã thường được dùng để bảo quản cá và thịt tại Indonesia và một số nước khác. Các nông gia tại nhiều nước đã thường xịt vào sản phẩm của họ bằng các loại thuốc trừ sâu cấm dùng, như thuốc DDT.

Trong khi đó, Formaldehyde, một hóa chất thường được dùng để bảo tồn xác chết, đã một số nước ở Châu Á sử dụng để bảo quản một vài loại thực phẩm mặc dù hóa chất này có thể gây nguy hại cho gan, thần kinh và thận. Tại Việt Nam Formaldehyde đã được phát hiện cách đây vài năm tại 7 trong số 10 hãng sản xuất bánh phở ở Hà Nội.

Sự kiện này đã khiến cho nhiều người trong nước lo ngại, và một số người đã tìm cách đến những hàng ăn nào có những dấu hiệu cho thấy là thực phẩm của họ không có các hóa chất độc hại như Formaldehyde hay Borax mặc dù giá cả có phần cao hơn những tiệm ăn khác.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu thì hầu hết đều tương đối khá vì các nhà sản xuất biết rằng họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào đó của quốc tế nếu họ không muốn hàng bị trả lại. Tuy nhiên đối với hàng hóa bán ra trên thị trường nội địa thì người mua sẽ dễ dàng tìm thấy những mặt hàng dưới tiêu chuẩn, hàng pha chế trái phép hoặc hàng xuất khẩu bị trả lại.

Thức ăn trên đường phố cũng là một vấn nạn về an toàn thực phẩm. Hàng triệu người đã ăn nhiều thứ thức ăn, từ thịt nướng cho đến các loại bánh trái làm bằng bột được bày bán trên những chiếc sạp ở bên đường mà các điều kiện vệ sinh rất nghèo nàn. Đôi khi các hóa chất bảo quản không an toàn đã được thêm vào các loại thực phẩm này, và thường thường thì những người bán hàng hay dùng các loại dầu mỡ và vật liệu rẻ tiền nhất để nấu nướng những thức ăn này.

Dù biết vậy nhưng các loại thức ăn có nhiều gia vị, rẻ và ngon miệng trên hè phố thường khiến cho khách hàng quên đi những lo ngại về an toàn thực phẩm, nhất là tại các nước nghèo, nơi mà mức thu nhập bình quân của người dân chỉ vào khoảng 2 đô la một ngày.

Ngay cả tại Trung Quốc, trong những năm gần đây người dân cũng cảm thấy bất mãn. Rượu Whisky có pha chất Methanol, một loại cồn có chất độc, đã bị xem là nguyên nhân gây cái chết cho ít nhất là 11 người tại Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc.

Các cơ quan truyền thông Thượng Hải phát hiện việc bán tàu hủ giả làm bằng thạch cao, sơn và tinh bột.

Ít nhất có một chục em bé Trung Quốc đã bị chết và hơn 200 em khác bị bệnh với những triệu chứng có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng sau khi uống một loại sữa dành cho trẻ em, được làm bằng đường và bột mà chẳng có bao nhiêu dinh dưỡng.

Còn tại Hoa Kỳ, hàng ngày người ta cũng dễ dàng tìm thấy những thông tin liên quan đến nhiều loại thực phẩm của Việt Nam bị cơ quan FDA từ chối nhập khẩu vì lý do vi phạm các điều khoản về an toàn thực phẩm tại Hoa Kỳ.

Dù có một số tin không ghi rõ xuất xứ để có thể phối kiểm mức độ chính xác nhưng sự kiện càng ngày càng có nhiều sản phẩm có hóa chất độc hại tung ra trên thị trường đã khiến cho giới tiêu thụ trở nên thận trọng hơn trong việc mua những sản phẩm nhập khẩu từ các nước Châu Á.

Đối với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thì càng ngày họ càng chú ý nhiều hơn đến các loại thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam vì có khá nhiều tin tức được phổ biến trên các cơ quan truyền thông trong nước cho thấy rằng một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam đã không hội đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Theo tin mới đây thì những cuộc kiểm tra trong tháng 6 tại một số cơ sở sản xuất nước mắm và nước tương tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận, các cơ quan hữu trách đã phát hiện rất nhiều khiếm khuyết trong tiến trình sản xuất, như không hội đủ các điều kiện vệ sinh tối thiểu, nguồn gốc nguyên liệu chế biến không rõ ràng, sản phẩm có chứa đựng quá nhiều hóa chất.

Trên thực tế thì không ai biết được mức độ hậu quả của các loại thực phẩm có nhiễm các hóa chất độc hại tại Châu Á sẽ như thế nào đối với sức khỏe của dân chúng, tuy nhiên theo lời một giới chức về an toàn thực phẩm của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, thì giới tiêu thụ khó có thể thấy được sự nguy hại trong lúc này, thế nhưng sau 10 năm hay lâu hơn người ta có thể sẽ thấy hậu quả nghiêm trọng của những sản phẩm mà chúng ta tiêu thụ ngày hôm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG