Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết con số những vụ xử tử đã sút giảm kể từ khi Tòa án Tối cao tái đảm nhiệm việc duyệt xét các án tử hình. Các tổ chức nhân quyền đã hoan nghênh diễn tiến này. Nhưng họ nói thêm rằng hệ thống tư pháp của Trung Quốc - nơi mà số người bị xử tử còn nhiều hơn tổng số những người bị hành hình ở những nước khác trên toàn thế giới, vẫn còn thiếu tính chất độc lập để bảo đảm sự công bằng của những vụ xét xử.
Tờ Trung Quốc Nhật báo, số ra ngày hôm nay, trích lời một người phát ngôn của tòa án cao nhất nước nói rằng những vụ xử tử trong 5 tháng đầu của năm nay đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nễ Thọ Minh nói rằng sự sút giảm này phát xuất từ việc Tối cao Pháp viện hồi tháng giêng đã nhận lại quyền duyệt xét tất cả các bản án tử hình, khiến cho các tòa án cấp dưới "cẩn thận" hơn khi tuyên án.
Tường thuật của tờ Trung Quốc nhật báo không cho biết Trung Quốc xử tử bao nhiêu người mỗi năm, vì chính phủ Trung Quốc xem các số liệu về án tử hình là bí mật quốc gia.
Ông Nicolas Becquelin, một nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ước tính rằng Trung Quốc xử tử từ 7 ngàn tới 15 ngàn người mỗi năm. Ông cho biết rằng: mặc dù sự duyệt xét của tòa án tối cao rõ ràng là đã đưa tới sự giảm thiểu số người bị tử hình, nhưng các tòa án ở Trung Quốc chịu tác động mạnh của sự can thiệp từ chính phủ và công an cảnh sát - khiến cho những vụ xét xử khó lòng có được tính chất công bằng.
Ông Becquelin nói: "Những người ra tòa có được luật sư đại diện và bênh vực một cách thỏa đáng hay không? Hệ thống tư pháp có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa những vụ xét xử bất công hay không? Những vấn đề này không có vấn đề nào được giải quyết qua những nỗ lực cải cách mới đây."
Hơn 25 năm trước, các tòa án cấp tỉnh ở Trung Quốc được dành cho quyền thi hành án tử hình để ngăn chận tình trạng tội phạm gia tăng. Tuy nhiên, những vụ án được nhiều người chú ý trong những năm gần đây cho thấy rằng những vụ án oan sai thường xuyên xuất hiện trong các bản án tử hình. Điều này đưa tới việc Tòa án nhân dân tối cao lấy lại quyền duyệt xét các bản án.
Ông Becquelin cho hay: sự giảm thiểu những vụ tử hình giúp cho Trung Quốc cải thiện hình ảnh của đất nước của họ trước khi Thế vận hội 2008 được tổ chức ở Bắc Kinh.
Ông Becquelin nói thêm: "Con số những bản án tử hình và sự cẩu thả của chính phủ Trung Quốc trong việc áp dụng hình phạt này lâu nay vẫn là một trong những vết nhơ lớn nhất của hình ảnh của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. Và giờ đây, khi Olympic Bắc Kinh 2008 ngày càng tới gần, chắc chắn là giới hữu trách Trung Quốc muốn được mọi người xem là họ đang ra sức giải quyết các vấn đề này."
Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Trung Quốc, ông Tiêu Dương, đã chỉ thị cho các tòa án có thái độ dè dặt trong việc tuyên án tử hình. Ông nói rằng hình phạt này chỉ nên áp dụng cho một số rất nhỏ những người vi phạm những tội ác nghiêm trọng.
Phát ngôn viên Tòa án nhân dân tối cao, ông Nễ Thọ Minh nói rằng những phạm nhân giết người vì tranh chấp trong gia đình và với hàng xóm láng giềng không nhất thiết là phải lãnh án tử hình - những can phạm nào bồi thường đầy đủ cho gia đình nạn nhân có thể khỏi bị xử tử. Ông cũng nói thêm rằng trong những vụ án kinh tế nghiêm trọng tòa án sẽ tuyên án nhẹ hơn cho những can phạm nào đã giúp nhà nước lấy lại được các khoản tiền bị thất thoát.