Đường dẫn truy cập

Việt Nam siết chặt luật lệ truyền thông


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã ban hành một nghị định mới để hạn chế thêm nữa lưu lượng thông tin ở trong nước, gây ra nhiều mối lo ngại cho các nhà báo vốn đã phải hoạt động dưới những biện pháp hạn chế rất gắt gao.

Theo bản tin hôm thứ tư của hãng thông tấn AP, quyết định ngày 28 tháng 5 của ông Nguyễn Tấn Dũng cấm chỉ tất cả các quan chức thuộc các bộ của chính phủ không được nói chuyện với giới báo chí, ngoại trừ các vị bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, và những người phát ngôn được chính thức chỉ định.

Những người hoạt động trong ngành truyền thông Việt Nam - hoàn toàn nằm dưới sự khống chế của nhà nước, nói rằng: những qui định mới sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu thập thông tin.

Một nữ ký giả ở Sài gòn, muốn giấu tên vì sợ bị phạt, cho hãng tin AP biết rằng: nhiều quan chức chính phủ sẽ dùng các qui định mới này làm một cái cớ để từ chối nói chuyện với các nhà báo. Ký giả này nói thêm rằng điều đó sẽ khiến cho công việc của bà trở nên khó khăn nữa.

Nghị định mới của chính phủ Việt Nam qui định thêm rằng những người phát ngôn của chính phủ sẽ tổ chức các cuộc họp báo hàng tháng, và mỗi bộ sẽ tổ chức họp báo ít nhất là 6 tháng một lần, Nghị định này cũng yêu cầu các bộ thông qua website của mình để cung cấp thông tin hàng tháng hoặc hàng quí cho giới truyền thông.

Theo ghi nhận của AP, các nhà báo Việt Nam lâu nay vẫn thường thu thập thông tin từ các viên chức cấp trung hoặc cấp thấp trong chính phủ. Nghị định mới về người phát ngôn không nói rõ là những viên chức cung cấp thông tin cho báo chí mà không được phép sẽ chịu những biện pháp kỷ luật như thế nào.

Quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng đã gặp phải sự chỉ trích của các tổ chức quốc tế tranh đấu cho quyền tự do báo chí. Ông Vincent Brossel của Hội Nhà Báo Không Biên Giới nói rằng: quyết định này sẽ ảnh hưởng tới tính chất khả tín và sự minh bạch của các hoạt động của chính phủ.

Theo lời ông Brossel, ở Việt Nam hiện nay không có luật lệ nào để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, và quyết định 77/2007 của thủ tướng chính phủ chính là một mưu toan khác nữa của Hà Nội để ngăn không cho các nhà báo trong nước và nước ngoài được hoạt động một cách hữu hiệu.

Ông Brossel nói thêm rằng tổng thống Goerge W Bush của Mỹ nên nhân cơ hội tiếp kiến chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong tháng này để làm áp lực đòi Việt Nam tôn trọng các quyền tự do cơ bản của người dân, đặc biệt là quyền tự do thông tin và tự do diễn đạt. Ông Brossel cho rằng quả là một điều đáng xấu hổ khi Việt Nam quay lại đàn áp các nhà báo và những người bất đồng chính kiến sau khi đã có những cải thiện đáng kể trong năm 2006.

Đại sứ Thụy Ðiển ở Việt Nam, ông Rolf Bergman, nói rằng việc chỉ định người phát ngôn chính thức là một diễn tiến tích cực vì điều này sẽ giúp cho các nhà báo có được một điểm tiếp xúc ở mỗi bộ của chính phủ. Nhưng ông phản đối việc hạn chế không cho các nhà báo được tiếp xúc với những nguồn tin khác.

Theo đại sứ Bergman, các ký giả cũng cần tới những nguồn tin khác để có thể làm phóng sự điều tra và để phân tích và tường thuật những thông tin chính xác.

Đại sứ Bergman nói rằng, những qui định mới này đi ngược với những nỗ lực trong 7 năm qua của Thụy Ðiển ở Việt Nam thông qua những chương trình huấn luyện, đào tạo dành cho những thành viên của giới truyền thông Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG