Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên hoãn viện trợ cho miền Bắc


Các giới chức Nam Triều Tiên cho biết có phần chắc là những chuyến tàu chở gạo viện trợ cho Bắc Triều Tiên sẽ không được thực hiện vào cuối tháng này như kế hoạch đã định. Tuyên bố này được đưa ra trong lúc các giới chức Bắc Triều Tiên thông qua một diễn đàn khu vực ở Philipin để cảnh cáo rằng việc tháo dỡ chương trình hạt nhân của họ sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng như dự kiến của một số người.

Tuần trước, quốc hội Nam Triều Tiên đã chính thức phê chuẩn kế hoạch viện trợ 400 ngàn tấn gạo cho Bắc Triều Tiên, nhưng hôm nay, các giới chức ở Hán Thánh cho biết số gạo này có phần chắc là sẽ không được chở sang miền bắc trước cuối tháng 5.

Các giới chức Nam Triều Tiên nhiều lần nói rằng công cuộc viện trợ tùy thuộc vào việc Bình Nhưỡng thực thi một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân mà họ đã ký kết hồi tháng hai, mặc dù điều này không được nêu rõ trong hiệp định về viện trợ gạo mà đôi bên đã đạt được trong hội nghị cấp cao diễn ra hồi tháng trước.

Tại cuộc đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh hồi tháng hai, Bắc Triều Tiên cam kết sẽ đóng cửa lò phản ứng hạt nhân chính ở Yongbyon dưới sự giám sát của quốc tế trước trung tuần tháng tư. Nhưng thời hạn chót đó đã trôi qua hơn một tháng mà Bình Nhưỡng chưa có hành động gì cả.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, ông Christopher Hill, là người đứng đầu phái đoàn thương thuyết của Hoa Kỳ tại hội nghị 6 bên. Phát biểu tại Hà nội ngày hôm nay, ông Hill nói rằng Bình Nhưỡng đã trì hoãn quá lâu. "Ðã đến lúc Bắc Triều Tiên phải nhấc điện thoại thông báo cho Cơ quan nguyên tử năng quốc tế và bắt đầu quá trình đóng cửa cơ sở hạt nhân này."

Trước đây, chính phủ Bắc Triều Tiên đã từ chối không chịu thảo luận về vấn đề hạt nhân trong hơn một năm rưỡi vì có vụ tranh chấp liên quan tới việc 25 triệu đô la của họ tại một ngân hàng ở Macao bị phong tỏa sau một cuộc điều tra của Bộ Tài chánh Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng có được số tiền đó nhờ những hoạt động bất hợp pháp, nhưng Washington cũng đã áp dụng các biện pháp để cho khoản tiền này có thể được trao trả cho Bắc Triều Tiên.

Các chuyên gia cho biết: không có ngân hàng quốc tế nào muốn đứng ra thực hiện việc chuyển ngân cho Bắc Triều Tiên vì họ e rằng làm như thế sẽ gây phương hại cho công cuộc giao dịch với Hoa Kỳ. Vấn đề này đã tạo ra điều mà ông Hill gọi là “thách thức phức tạp nhất về mặt kỹ thuật” mà ông phải đương đầu từ trước tới nay. Mặc dầu vậy, ông cũng bày tỏ tin tưởng là vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa:

"Chúng tôi đang ra sức làm việc để giải quyết vấn đề ngân hàng này. Vấn đề này chắc chắn sẽ được giải quyết."

Ông Hill sẽ đến Philipin trong tuần này để dự một hội nghị khu vực mà Bắc Triều Tiên dự kiến cũng sẽ tham dự. Trong bản báo cáo nộp cho hội nghị này ngày hôm nay, Bắc Triều Tiên tỏ ý cho thấy là vấn đề ngân hàng chỉ là một phần nhỏ trong những trở ngại của kế hoạch tháo dỡ chương trình vũ khí hạt nhân.

Báo cáo của Bình Nhưỡng nói rằng Nam Triều Tiên, Nhật Bản, và Hoa Kỳ là những mối đe dọa lớn nhất cho an ninh của châu Á, và Bắc Triều Tiên sẽ không từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình cho đến khi nào mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên được loại bỏ.

Các chuyên gia quân sự cho biết trong nhiều thập niên kể từ khi xâm lăng miền nam vào năm 1950, Bắc Triều Tiên đã bố trí vô số đại pháo và hõa tiễn tầm trung dọc theo lằn ranh phân chia hai miền nam bắc. Các chuyên gia ước tính rằng trong trường hợp chiến tranh tái diễn, số vũ khí đó có thể giết chết hàng trăm ngàn người ở Nam Triều Tiên chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG