Đường dẫn truy cập

Ông Lowenkron ra điều trần trước quốc hội về vấn đề nhân quyền trên thế giới


Viên chức sắp từ nhiệm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vấn đề về các chính sách nhân quyền Mỹ đã trình bày trước Quốc hội vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới. Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Barry Lowenkron đã xuất hiện trước một Ủy Ban của Hạ viện nghiên cứu những báo cáo mới đây nhất của Bộ Ngoại giao về vấn đề nhân quyền trên thế giới.

Đây có thể là lần cuối cùng ông Lowenkron ra điều trần trước quốc hội. Ông nói rằng trong khi có một số nước đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm qua thì cũng có những nước khác đi giật lùi.

Liberia và Indonesia là hai nước nằm số các nước đạt tiến bộ, với những bước tích cực của chính phủ mới ở Liberia, và sự giảm thiểu đáng kể các vụ giết người của quân đội và cảnh sát Indonesia ở các khu vực nhạy cảm về chính trị, cùng với các cuộc bầu cử nhìn chung là tự do và công bằng trong cả nước.

Ông Lowenkron nói rằng Iraq và Afghanistan là hai ví dụ sinh động của điều mà ông gọi là một thực tế thứ nhì phử phàng là tình hình bất ổn là do những xung đột trong nước và xuyên biên giới làm phương hại tới những thành quả về nhân quyền và chính phủ dân chủ.

Các cuộc xung đột sắc tộc ngày càng gia tăng cường độ và chủ nghĩa khủng bố ở Iraq đã phương hại nghiêm trọng tới các tiến bộ về nhân quyền và dân chủ. Trong khi đó thì ở Afghanistan những tiến bộ đã bị giật lùi do các định chế của trung ương yếu kém và những cuộc tấn công của các phần tử cực đoan.

Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba, Eritria, Iran, Belarus và Zimbabwe là những nước nằm trong số các quốc gia mà quyền lực vẫn còn tập trung trong tay của những người cai trị không chịu trách nhiệm thực thi về nhân quyền.

Ông Lowenkron nhấn mạnh một số các sự kiện rối rắm nhất

“Những vụ bắt bớ những người bảo vệ nhân quyền mới đây ở Miến Điện; sự tuyên án đối với một ký giả độc lập 4 năm tù vì “nguy hiểm cho xã hội” và những sự đàn áp vẫn tiếp tục không hề giảm sút dưới thời Raul Castro ở Cuba; ở Trung Quốc sự ngược đãi và cầm tù nhà hoạt động xã hội Uighur và các thành viên của gia đình Rebiya Kadeer; những vụ bắt bớ những người biểu tình ôn hòa để ủng hộ việc yêu cầu xét xử phụ nữ bình đẳng theo pháp luật ở Iran; và những vụ đàn áp bạo lực đối với những thành viên của các nhóm đối lập ôn hòa tại Zimbabwe.”

Cuộc điều trần này cũng bàn đến các vấn đề liên quan tới Nga, Việt Nam, Ethiopia, Sudan. Về phần Việt Nam ông Lowenkron cho biết trong cuộc đối thoại nhân quyền với các giới chức Việt Nam hồi tuần trước ông đã nói như sau:

“Chúng tôi đã trình bày cả danh sách, và tôi đã nói rất rõ là tình trạng này không thể chấp nhận được. Tuy năm ngoái chúng tôi đã đạt được tiến bộ, nhưng chiều hướng hiện nay lại không được tốt đẹp. Tôi hỏi họ phải chăng ý định của quý vị là nói với chính phủ Hoa Kỳ, nhân dân Hoa Kỳ, và Quốc hội Hoa Kỳ rằng những hành động mà quý vị đã thực hiện là chỉ để Việt Nam được thu nhận vào tổ chức Thương mại thế giới, được dành cho quy chế PNTR, và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC, chứ quý vị không hề muốn giải quyết những mối bất đồng để thăng tiến nhân quyền.”

Về phần Châu Phi, ông Lowenkron đã đề cập đến vấn đề Darfur và cho biết rằng Ngoại trưởng Rice và các viên chức khác đã thúc giục Trung Quốc làm áp lực để chính phủ Sudan chấp nhận việc bố trí một lực lượng duy trì hòa bình gồm 20,000 binh sĩ của Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp Phi Châu. Ông Lowenkron cũng cho biết tình hình ở Eritria chưa được cải thiện.

Trong cuộc viếng thăm hồi tháng 3 vừa qua đến Ethiopia, là nước láng giềng của Eritria, ông Lowenkron đã yêu cầu Thủ tướng nước này phục hồi thể chế dân chủ và trả tự do cho những nhân vật đối lập bị bắt cầm tù sau cuộc bầu cử năm 2005.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG